2020: Nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu

Bộ LĐ-TBXH đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, mỗi năm dự kiến đưa đi được từ 100.000 – 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo. Để đạt được mục tiêu này thì việc nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động được xem là một giải pháp quan trọng hàng đầu. Xuất khẩu lao động vẫn giữ được mức tăng trưởng cao.

Nhìn lại kết quả đạt được trong vài năm gần đây, có thể thấy, lĩnh vực xuất khẩu lao động đang có được những bước  tăng trưởng  khá ổn định và vững chắc. Năm 2017, xuất khẩu lao động đạt được con số “kỷ lục” với 134.751 lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 28,3% so với kế hoạch năm.  Đây là cũng là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Các thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm trong nhiều năm

Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Ước tính  tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt trên 140.000 người. Đài Loan và Nhật Bản hiện  vẫn là hai thị trường trọng điểm (chiếm hơn 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài). Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là hai thị trường  tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao. Thị trường Đài Loan được đánh giá vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam sang làm việc. Cùng với Đài Loan, Nhật Bản cũng được đánh giá là một thị trường xuất khẩu lao động nhiều tiềm năng, nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Đặc biệt, đây là một trong các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt, được nhiều lao động Việt Nam quan tâm và đăng ký tham gia.  
Bên cạnh đó, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian qua, một số thị trường châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumani, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.
Có thể thấy, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng đưa đi tăng dần theo hàng năm, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao, hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp. Với  mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi  xuất khẩu lao động về nước đã có cuộc sống tốt hơn.  Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (giai đoạn 2010-2017) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, giai đoạn 2010 – 2017, cả nước có 821.862 người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lượng lao động làm việc ở nước ngoài tăng mạnh tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản (tăng khoảng 461% so với giai đoạn 2010-2013), Đài Loan – Trung Quốc (tăng khoảng 183%), Trung Đông (tăng khoảng 120%). Trong đó, thị trường Đài Loan thu hút lao động nhiều nhất và duy trì ổn định ở mức cao.
Theo kết quả giám sát, người lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động làm việc ở nước ngoài là 400 – 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông; 700 – 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan; 1.000 – 1.200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Hằng năm, lượng tiền người lao động  làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 2-2,5 tỉ USD.

Cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp XKLĐ với các trường nghề

Theo số liệu của Bộ LĐ-TBXH, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề. Từ năm 2006 đến nay đã có hơn 1 triệu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu từng bước được nâng lên. Cuối năm 2003, số lượng lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài mới đạt khoảng 35% thì đến nay tỉ lệ này đã đạt trên 50%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, chủ sử dụng rất thích tuyển chọn lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và khu vực, lao động Việt Nam, trong đó có lao động trình độ cao ngày càng có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguồn lao động của ta vẫn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Hiện vẫn còn  gần 50% lao động xuất khẩu là lao động phổ thông. Điều này cũng gây không ít lo ngại về chất lượng nguồn lao động xuất khẩu hiện nay.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không thực hiện tốt việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, lao động Việt sẽ không đủ khả năng, trình độ đáp ứng yêu cầu của phía đối tác dẫn đến không hoàn thành tốt nhiệm vụ, gây thiệt hại, vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng xấu đến uy tín các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chiến lược xuất khẩu lao động của Việt Nam.
Ông Tuấn đề xuất thí điểm đặt hàng đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 70% chi phí học nghề cho người lao động , doanh nghiệp hoặc NLĐ chịu 30% chi phí còn lại. Việc này nhằm khuyến khích người lao động học nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài, từ đó tăng tỉ lệ lao động có nghề khi xuất cảnh, tạo khả năng cạnh tranh và từng bước xây dựng thương hiệu lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Dự báo về nhu cầu XKLĐ tính đến năm 2020 là rất lớn. Bộ LĐ-TBXH đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, mỗi năm dự kiến đưa đi được từ 100.000 – 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo. Để đạt được mục tiêu này thì việc nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động được xem là một giải pháp quan trọng hàng đầu.. Do vậy, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ưu tiên hàng đầu là cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động,  ưu tiên đầu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, vùng, ngành có gắn với các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa lao động Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động.
Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân góp ý, để tránh tình trạng đào tạo tràn lan, không đúng nhu cầu nhân lực thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần kết nối với các đơn vị liên quan trong việc cung ứng nguồn lao động đi nước ngoài, cụ thể các yêu cầu từ doanh nghiệp, nhất là các tiêu chuẩn, ngôn ngữ, kỹ năng, thái độ, cư xử văn hóa đặc trưng của quốc gia, vùng miền. Người lao động càng được chuẩn bị kỹ càng thì họ càng dễ thích nghi và gắn bó với doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên -Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TBXH) cho rằng, để nâng cao chất lượng và cơ hội cho lao động của Việt Nam làm việc tại nước ngoài, phải có sự “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần cung cấp cho nhà trường nhiều hơn nữa các chương trình đi học tập, làm việc ở từng thị trường để nhà trường đưa vào thông tin tuyển sinh, tư vấn học nghề. Trên cơ sở đó, nhà trường thực hiện tuyển sinh và tổ chức đào tạo  dưới sự phối hợp, đồng hành của doanh nghiệp ngay từ đầu và trong suốt quá trình đào tạo, qua đó giúp sinh viên thực hiện tốt việc học và lao động của mình. Song song đó, nhà trường đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các công ty xuất khẩu lao động để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc xuất khẩu lao động…Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề. Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý, mở ra một cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội.
Nguồn: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=219367#