“Xuất khẩu lao động” doanh nghiệp dịch vụ và người lao động mỏi mòn chờ ngay xuất cảnh

Đại dịch làm “đứt” cơ hội đi làm việc nước ngoài dù nhiều người đã sẵn sàng tâm thế. Hai năm chờ đợi, người có “tiền đóng, gạo góp” và cả doanh nghiệp làm dịch vụ trong lĩnh vực này đang như ngồi trên lửa…

Bao giờ thị trường lao động tại các nước Đông Bắc Á thực sự mở cửa? Người lao động phải làm gì để “được bay”? Đây là câu hỏi của hàng nghìn thực tập sinh, lao động Việt Nam đặt ra cho các ngành chức năng, cần sớm có câu trả lời. Đây cũng là bài toán với những người có trách nhiệm.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông tin về tín hiệu mở cửa của thị trường lao động Đông Bắc Á, nơi có đến gần 90% lao động Việt làm việc. Hiện có rất nhiều người lao động đã hoàn thành các thủ tục, điều kiện, đang chờ bay.

Ông Liêm khẳng định, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch năm 2021, việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài có thể không đạt chỉ tiêu khi đến nay, số người xuất cảnh mới chỉ đạt 44.000 người, tương đương 50% kế hoạch.

Các thị trường chính xuất khẩu lao động của Việt Nam vẫn chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan nhưng Nhật Bản thời gian qua đã tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài do lo ngại biến chủng mới Omicron. Thị trường Hàn Quốc chỉ mới tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài từ tháng 5/2021.

“Những diễn biến đó khiến số lượng lao động xuất khẩu năm nay bị giảm rất đáng kể” – ông Liêm giải thích.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua Cục QLLĐNN đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách như Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 hay Quyết định 128 của Thủ tướng về hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Phó Cục trưởng Nguyễn Gia Liêm khẳng định, cơ quan này đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời như vay tiền để trả lương, đào tạo lại người lao động.

“Tuy nhiên, những chính sách này, doanh nghiệp ít quan tâm, mà chủ yếu chỉ tập trung đốc thúc mở thị trường lao động và cách thức sao để đưa người lao động đi sang nước khác”, ông Liêm nói.

Vị  đại diện Cục QLLĐNN chia sẻ: “Chúng tôi rất hiểu, người lao động nóng lòng chờ đợi được bay nên Cục QLLĐNN luôn bám sát các thông tin mở cửa thị trường lao động tại các nước. Khi có thông tin thị trường lao động nào, chúng tôi sẽ trực tiếp, nhanh chóng cung cấp cho doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp cách thức triển khai của các nước tiếp nhận, hoặc kế hoạch khai thác ở các nước có tiềm năng, chuẩn bị mở cửa đầu ra”.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, hiện Cục đang theo dõi sát sao việc Nhật Bản vừa mở ra thì đã phải đóng lại do sự xuất hiện biến thể Omicron.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Ngoài ra, theo ông Liêm, thị trường lao động tại Đài Loan cũng có diễn biến tương tự, dù phía bạn từng thông báo kế hoạch tiếp nhận lao động trở lại từ tháng 12 song tới nay vẫn chưa có tín hiệu cụ thể. Lãnh đạo Cục QLLĐNN phán đoán, nhiều khả năng kế hoạch tiếp nhận lao động trở lại sẽ khởi động vào đầu năm 2022.

Các thị trường khác như Hàn Quốc, theo đại diện Cục QLLĐNN, hiện cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp với các bên để đốc thúc việc đưa lao động quay trở lại thị trường này.

Đối với thị trường châu Âu, Cục cũng tìm biện pháp để giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn thị trường, giải quyết các vấn đề phát sinh, tăng cường ký hợp đồng để đáp ứng tốt yêu cầu của các nước đặt ra.

Phó Cục trưởng Nguyễn Gia Liêm cũng nêu một vấn đề, thực tế, nhiều lao động chờ bay bị “cò” dụ dỗ chi thêm tiền để được bay sớm hơn. Lãnh đạo Cục QLLĐNN khẳng định: “Không thể có tác động bên ngoài đến quyết định bay và tiếp nhận lao động của các thị trường lao động, người lao động cần tỉnh táo, không nên tin lời kẻ xấu lợi dụng”.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 7

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Nguyễn Gia Liêm khái quát, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ đưa người lao động đi làm việc, cũng như kế hoạch tiếp nhận lao động của các nước, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động đang chờ đợi đi làm việc ở nước ngoài.

Nhiều lao động đã chuẩn bị học tiếng, học nghề, đã “thi được đơn”, làm tất cả thủ tục xong nhưng phải chờ đợi hơn 1 năm nay. Thực tế có người không thể chờ nên đã hủy hợp đồng, đơn hàng, doanh nghiệp phải tuyển người khác hoặc trả lại chi phí đã đóng cho người lao động.

Nhiều người lao động thường xuyên lên mạng tìm hiểu xem khi nào Nhật Bản cho người lao động nước  ngoài nhập cảnh.

“Tâm lý nóng lòng “xuất ngoại” của người lao động làm nảy sinh trường hợp có tổ chức cá nhân lợi dụng, “câu kéo” là có biện pháp giúp người lao động đi nhanh hoặc sang được các nước, trong đó, nhìn chung những lời chào mời này đều là “chịu mất thêm chi phí thì được đi nhanh hơn hoặc đi được luôn”, ông Liêm cảnh báo.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 9

Nhấn để phóng to ảnh

Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN nhấn mạnh: “Tôi khẳng định là không thể can thiệp được vào quá trình đưa người lao động đi nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Khi đưa ra kế hoạch, bản thân các nước, như Nhật, chỉ tiếp nhận thông tin, hồ sơ để làm visa cho các trường hợp lưu trú. Tôi nghĩ các doanh nghiệp cũng cần thực hiện công khai quy trình để người lao động nắm được và yên tâm chờ đợi. Chúng tôi đảm bảo, không thể có sự can thiệp nào để được đi trước hay đi sau”.

Bên cạnh đó, theo đại diện của Cục QLLĐNN, liên quan đến Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được thông qua cuối năm 2020 và có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1/2022, mới đây Chính phủ cũng ban hành Nghị định 112 hướng dẫn thực hiện đạo luật này. Nghị định 112 yêu cầu doanh nghiệp phải có trang tin điện tử, đưa và cập nhật các thông tin công khai lên đây kể cả danh sách người lao động, tiến độ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 7 ngày. Người lao động có thể nhìn vào đó để thấy được rõ thông tin chính thức thời điểm đi lúc nào, tránh trường hợp bị lợi dụng, lừa dối để trục lợi. Người lao động cũng có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để có thông tin đầy đủ hơn.

“Tôi cho rằng, người lao động vẫn nên cẩn trọng, không đi lao động tại nước ngoài bằng mọi giá, phải xuất cảnh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn và có hiệu quả. Phải cảnh giác các trường hợp doanh nghiệp “hứa” hẹn mức lương cao khác biệt, người lao động sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để đi… Hơn ai hết, người lao động phải tìm hiểu đơn hàng, tìm hiểu các kênh thông tin của cơ quan chức năng, của người quen tại các nước từng làm việc tại đó để nắm được các thông tin chính xác”, ông Liêm tư vấn.

Theo ông này, hiện các đơn hàng, hợp đồng đều có quy định rõ về tiền lương, chi phí đi, có các nội dung cam kết, quy định, tiêu chuẩn người lao động phải đáp ứng… Đây là những vấn đề người lao động phải nắm thật chắc để tránh bị thiệt hại về kinh tế, an toàn về pháp lý.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 11

Nhấn để phóng to ảnh

Đứng ở góc độ những lao động Việt đi nước ngoài, tâm lý chờ đợi cộng với lo ngại đang bao trùm. Anh Phạm Văn Hòa, công nhân làm việc tại khu công nghiệp tại Bình Dương cho biết, đã hơn 1,6 năm học xong chứng chỉ tiếng Nhật (tương đương N3 của JLPT) nhưng kế hoạch bay cứ hoãn hết lần này đến lần khác. Mặc dù đã thi xong, các thủ tục, điều kiện cũng đã đáp ứng đủ nhưng anh Hòa chưa biết bao giờ mới bay được. Anh cùng gia đình trông chờ từng ngày cánh cửa tới đất nước mặt trời mọc mở ra.

“Tiền đóng, gạo góp mang ra Hà Nội học hơn 6 tháng, đến nay, dù có chứng chỉ, thi được đơn nhưng tôi vẫn chưa đi được. Lo mất tiền là một chuyện, vấn đề tôi sợ nhất hiện nay là không còn đơn sang Nhật hoặc quá tuổi vì giờ tôi đang ở tuổi 33, sang năm là 34 rồi. Nếu không sang Nhật được, bao nhiêu công sức, đầu tư của tôi và gia đình coi như xôi hỏng, bỏng không”, anh Hòa thở dài.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 13

Nhấn để phóng to ảnh

Ngoài vấn đề phải kéo dài thời gian chờ đợi, nhiều người lao động chấp nhận thi đơn, đóng tiền để đi xuất khẩu lao động cũng đang gặp cảnh “đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

“Chúng em đang làm công nhân chế biến hoa quả, lương cũng khoảng từ 5-7 triệu/tháng. Thi được đơn hàng chế biến đậu nành tại Nhật Bản nên chúng em đã nghỉ việc ở công ty để đi học. Sau 6 tháng học xong, thi được chứng chỉ đủ điều kiện sang Nhật nhưng chúng em đã đợi từ đầu năm đến nay không được đi. Em vừa phải tạm xin đi làm công nhân trở lại để đợi ngày bay. Nói chung cảm giác rất hoang mang và chờ đợi mệt mỏi” – chị Triệu Thị Thúy Hằng (Thanh Hóa) cho hay.

Thực tế, thị trường lao động nhiều nước hạn chế từ đầu 2021 do dịch bệnh đến nay gây tổn thất khá lớn cho các doanh nghiệp làm dịch vụ việc làm.

Ông Vũ Văn Ninh, Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ việc làm cho Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, gần 2 năm nay, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu là đào tạo học viên để chuẩn bị bay. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thêm năm nữa, chúng tôi có thể phải ngừng hoạt động.

Ngoài Nhật, thị trường lao động Hàn Quốc cũng mới được mở từ tháng 5/2021, nhưng do dịch bệnh căng thẳng nên kế hoạch tiếp nhận lao động bị ảnh hưởng, doanh nghiệp ngừng nhận học viên.

“Phía nhận lao động khó khăn do một số nghiệp đoàn, doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19 nên giảm sản xuất, giảm nhu cầu lao động Việt Nam và các nước”, ông Ninh nói.

Lao động Việt đi nước ngoài: Chờ ngày được bay như nắng hạn mong mưa - 15

Nhấn để phóng to ảnh

Theo vị này, trong hợp đồng dịch vụ đưa người đi lao động tại nước ngoài giữa doanh nghiệp với học viên, người lao động, đều có thời hạn xác định hoặc cũng giới hạn trong khoảng thời gian nhất định người lao động được đi làm việc tại nước ngoài. Nếu không, doanh nghiệp phải hoàn trả lại chi phí, chỉ được phép thu chi phí đào tạo nghiệp vụ và ngoại ngữ.

“Điều này khiến nhiều tư vấn viên khó khăn khi đàm phán hợp đồng. Chính vì vậy, hơn ai hết chúng tôi mong các thị trường mở cửa để làm đúng quy định, tránh phát sinh khiếu nại và tranh chấp không đáng có với người lao động”, ông Ninh cho hay.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 43.584 người (trong đó có 15.024 lao động nữ), đạt 48,42% kế hoạch năm 2021.

Trong đó thị trường Đài Loan tiếp nhận 19.388 lao động (có 6.486 lao động nữ), Nhật Bản nhận 19.193 lao động (8.270 lao động nữ), Trung Quốc nhận 1.658 lao động (chỉ 1 lao động nữ), Hàn Quốc nhận 748 lao động (1 lao động nữ), Rumani nhận 638 lao động (81 lao động nữ), Singapore nhận 544 lao động nam, Hungary nhận 438 lao động (105 lao động nữ)…

Năm 2020, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 78.600 người, trong đó có hơn 28.700 lao động nữ. Mục tiêu năm 2021 của Việt Nam là đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Nội dungAn Linh

Thiết kếThủy Tiên

(DÂN TRÍ)