Xuất khẩu lao động tại Bình Thuận còn chậm

Thị trường các “đơn hàng” việc làm rất với mức lương hấp dẫn, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, điều kiện tuyển dụng lao động không cao… Hầu hết các tỉnh thành trên cả nước rất nhộn nhịp với công tác xuất khẩu lao động. Thế nhưng thị trường xuất khẩu lao động 5 tháng qua tại tỉnh Bình Thuận vẫn đìu hiu, vắng ngắt.

xuất khẩu lao động ở bình thuận

Vẫn còn tâm lý e ngại với xuất khẩu lao động 

Mặc dù rất muốn đi xuất khẩu lao động để “đổi đời”, nhưng vì sợ các công ty môi giới “mang con bỏ chợ” nên nhiều lao động còn đắn đo. Trần Thanh Sơn, nhà ở xã Tân Phước (La Gi) đang theo học lớp ĐH tại chức ngành xây dựng đã quyết định bỏ ngang để đi xuất khẩu lao động với mục tiêu “đổi đời”. Vậy mà, hai  năm nay Sơn vẫn chưa thể “bay” được sang trời Tây. “Sau chuyện hàng trăm lao động về nước trước hạn, em rất sợ đi xuất khẩu tại các thị trường như Malaysia, Libi. Vì lẽ đó, em quyết tâm để dành tiền đi các thị trường uy tín như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Tuy nhiên, đã nhiều lần làm hồ sơ tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận), chịu tốn chi phí học giáo dục định hướng và học tiếng Nhật, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi được”, Sơn thất vọng cho biết. Sau nhiều lần liên hệ qua trung tâm trên, Sơn được Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam (có văn phòng ở Hà Nội) trực tiếp sơ tuyển vòng một đạt yêu cầu. Sau đó được một công ty ở Nhật Bản qua “sát hạch” vòng hai. Tuy nhiên, Sơn cho biết ngoài những điều kiện cần, còn những điều kiện khác như thái độ, cách ứng xử …nếu không được chỉnh chu sẽ  khó “lọt” được vào mắt của các công ty Nhật. Mặc dù trước đó đã tốn chi phí học tiếng Nhật và giáo dục định hướng gần 7 triệu đồng, đóng tiền “cọc” cho Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam thêm 15 triệu đồng nhưng đến giờ vẫn ngồi chờ. “Không chỉ em mà nhiều người qua “sát hạch” đều không đạt yêu cầu nhưng Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam chưa cho người lao động nhận lại tiền “đặt cọc”. Họ bảo chờ công ty khác qua phỏng vấn, khi nào được thì đi”, Sơn nói thêm. Do chưa có công việc làm ổn định, hiện tại Sơn phải đi phụ hồ kiếm tiền, tiếp tục chờ cơ hội xuất ngoại.

Nhiều thị trường xuất khẩu lao động, đa dạng công việc

5 tháng đầu năm nay, rất nhiều đơn hàng xuất khẩu lao động ở các thị trường cần tuyển đủ mọi vị trí với mức lương khá hấp dẫn. Từ  các công việc như giúp việc nhà, lắp ráp điện tử, xây dựng, sản xuất chế tạo máy, dệt, trang trí nội thất dành cho lao động có trình độ phổ thông, với mức lương trung bình từ 9 triệu – 11 triệu đồng/tháng; cho đến những công việc dịch vụ nhà hàng, khách sạn, kỹ sư công nghệ thông tin, quản lý đối với lao động có tay nghề, trình độ cao mức lương từ 45 triệu – 70 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, chỉ mới có 20 lao động đã “xuất ngoại”, còn khoảng 10 người đang làm hồ sơ. Riêng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (Liên đoàn Lao động tỉnh) mới có 1 hồ sơ đi Ả rập Xê út, 5 hồ sơ chuẩn bị đi Malaysia, 3 hồ sơ đang học tiếng của nước sẽ đến và giáo dục định hướng, phần lớn đều là lao động phổ thông, chưa có tay nghề. Một nhân viên tư vấn tại trung tâm cho biết: Đối với thị trường Nhật, Singapore hay Đài Loan rất khó thu hút người lao động địa phương. Bởi phần lớn các thị trường này đòi hỏi trình độ, tay nghề khá cao, chi phí lớn (gần 100 triệu đồng). Do đó, có trường hợp  rất nhiều lao động đủ điều kiện về trình độ nhưng không đủ chi phí xuất cảnh, cũng có trường hợp không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Theo các nhân viên tư vấn, hiện nay thủ tục làm hồ sơ đi các thị trường Malaysia, Đài Loan… rất nhanh, chỉ cần hai tháng là xong. Tuy nhiên, khó khăn nhất là người lao động ít khi quan tâm đến xuất khẩu lao động. Để đẩy mạnh công tác này, Sở LĐTBXH cũng như các trung tâm tư vấn việc làm  tranh thủ tổ chức nhiều chuyến tư vấn, tuyên truyền kết hợp khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề đến tận các xã, phường, nhưng người lao động vẫn còn khá e ngại đến việc đi xuất khẩu lao động. Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 10 doanh nghiệp được Sở LĐTBXH cấp giấy phép tuyển dụng lao động. So với con số lao động nhàn rỗi tại tỉnh hiện nay thì số người chịu học nghề và đi xuất khẩu lao động chiếm rất ít. Do đó, công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động thời gian tới không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành LĐTBXH mà còn phụ thuộc vào các địa phương.

Nguồn: website Bộ LĐ TB&XH

Trang Xuất khẩu lao động Vn.com tổng hợp