Xuất khẩu lao động Nhật Bản nơi thị trường thu nhập cao rộng cửa

Năm 2014 là năm gặp không ít khó khăn, thế nhưng mục tiêu đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài đã cán đích. Cùng với thị trường truyền thống, bước sang năm 2015, cơ hội làm việc ở thị trường có thu nhập lương cao đang dần hé mở với người lao động Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, năm 2015 cùng với thị trường truyền thống, một số thị trường mới với mức thu nhập cao sẽ mở ra cho LĐ Việt Nam như châu Phi và Trung Đông, bởi Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi, tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho LĐ Việt Nam. Bên cạnh đó thị trường Nhật Bản dự kiến cũng sẽ rộng cửa hơn với LĐ Việt Nam.
“Để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, trong 5 năm từ 2015 đến 2020, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Do đó, trong thời gian tới, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của thị trường Nhật Bản dự kiến là xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…” – ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết.
Một trong điểm nhấn đáng chú ý đối với thị trường LĐ năm 2015 là Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập trong năm 2015. Khi đó sẽ có 8 ngành nghề LĐ trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, bên cạnh những thách thức, thì người LĐ Việt Nam sẽ có thêm  nhiều cơ hội tìm việc làm tại các nước trong khối, đồng thời có điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tận dụng những cơ hội này. Bên cạnh đó nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng được di chuyển tự do hơn.