Mặc dù 6 tháng đầu năm, cả nước đã đưa 40.000 lao động ra nước ngoài làm việc, đạt gần 50% chỉ tiêu năm 2013, nhưng tình hình xuất khẩu lao động vẫn đang rất khó khăn. Làm cách nào để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH).
– Phóng viên: Liên tục 2 – 3 năm nay, hoạt động xuất khẩu lao động của chúng ta đều gặp khó khăn, vì sao thưa ông?
Ông Đào Công Hải: Trong cả hai năm 2011 và 2012, lượng lao động xuất khẩu đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Có rất nhiều khó khăn cùng xuất hiện, gây cản trở mục tiêu xuất khẩu lao động, nhưng trong đó nguyên nhân chính là do kinh tế thế giới khó khăn, nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới mà các doanh nghiệp của chúng ta vừa khai thác được thì lại xảy ra biến động về chính trị. Song cũng phải kể tới một nguyên nhân chủ quan, làm hạn chế đáng kể chỉ tiêu xuất khẩu lao động của chúng ta, là tình trạng lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng khi ra nước ngoài làm việc, mãn hạn nhưng không chịu về, ở lại lao động trái phép…
– Theo ông, chúng ta có cần phải đẩy mạnh thêm chỉ tiêu xuất khẩu lao động ra các nước nữa không?
Thực ra, nếu so với chỉ tiêu về tạo việc làm cho lao động mới là 2 triệu người/năm, thì tỷ lệ người xuất khẩu lao động hiện nay vẫn chỉ chiếm khoảng 5%.
Mục tiêu của chúng ta trong những năm tới vẫn phải đảm bảo xuất khẩu được nhiều lao động, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo chất lượng lao động đáp ứng được yêu cầu và quy định, pháp luật của nước tiếp nhận chứ không thể “xuất” ồ ạt như thời gian qua.
– Nhu cầu của các thị trường có còn lớn như trước đây nữa không, thưa ông?
Hiện nay đang có tới gần 300 thị trường có nhu cầu tuyển lao động mà chúng ta có thể đưa lao động tới. Thực ra, nhu cầu về lao động của các thị trường gồm cả mới khai thác và cũ vẫn còn rất cao, nhưng khổ nỗi việc đi đâu thì còn phụ thuộc nhu cầu của người lao động chứ doanh nghiệp không thể can thiệp, bắt buộc được. Và nhiều năm nay, các lao động của chúng ta thường chỉ thích đi những nơi có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… Cũng chính vì thế mà thời gian qua, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho các doanh nghiệp “chui”, “cò mồi” để bằng mọi giá sang được Hàn Quốc. Thậm chí không học, không đào tạo về tay nghề, ngoại ngữ… cũng tìm cách sang Hàn Quốc để mong đổi đời.
Do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc chui tại Hàn Quốc vẫn còn khá cao nên thị trường này đã bị đóng. Hiện chúng ta vẫn đang còn hơn 10.000 hồ sơ lao động đã thi tiếng Hàn còn “treo”.
– Như ông đã nói, nhu cầu các nước vẫn còn rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta không hướng lao động sang các nước đó?
Đó là cái khó mà chúng tôi đang trăn trở. Như tôi đã nói, lựa chọn thị trường lao động là quyền của người lao động, mà các lao động của ta lại thường chỉ thích vào những thị trường cho thu nhập cao như Hàn Quốc và Nhật Bản, còn các thị trường kém hơn thì chẳng mấy ai hào hứng. Thậm chí, theo khảo sát của chúng tôi, tâm lý chung của các lao động khi “xuất ngoại” là luôn muốn có thu nhập cao ngay, không chịu chấp nhận quá trình dùi mài, tích cóp kỹ năng, kinh nghiệm…
Không nói những thị trường mới, ngay trong nhóm thị trường truyền thống, ở gần chúng ta thì thực tế Malaysia là thị trường rất phù hợp cho lao động Việt Nam, nhưng các lao động lại chẳng mặn mà vì cho rằng mức thu nhập ở đây kém hơn Hàn Quốc.
– Thời gian qua, nhiều người lao động cũng đã xin đi làm việc tại Angola là một trong những thị trường mới. Vậy trong bối cảnh xuất khẩu lao động khó khăn hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước có ủng hộ không?
Hiện nay dòng chảy lao động tự do sang Angola mà chúng tôi theo dõi cho thấy có rất nhiều, chủ yếu là các tỉnh ở Bắc miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Người lao động cho biết bước đầu có thu nhập cao hơn ở trong nước. Điều đó cho thấy, đây cũng là một thị trường tiềm năng. Song để chắc chắn và đảm bảo bền vững cho lao động, sắp tới Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì một đoàn công tác sang Angola làm việc, xem xét đưa việc xuất khẩu lao động sang Angola vào một quỹ đạo chung để quản lý, từ đó sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Angola.
– Tại sao tiềm năng của Angola như vậy mà cơ quan quản lý nhà nước không chủ động làm việc, tìm thị trường cho lao động cũng như doanh nghiệp?
Bởi vì trước đây chúng ta chưa thể khẳng định được môi trường làm việc ở đây có an toàn không. Vì ở Angola có giấy phép nhập khẩu lao động của một doanh nghiệp, sau đó một số cá nhân của ta mượn giấy phép của họ về tuyển lao động, nhưng lại không đưa sang làm việc cho doanh nghiệp đó mà làm cho đối tác khác, như vậy là mất an toàn nên không thể xem xét được. Chưa kể, các doanh nghiệp còn lợi dụng hộ chiếu du lịch để đưa lao động đi làm việc chui… Vì vậy, để thúc đẩy xuất khẩu lao động vào Angola, hiện Chính phủ đang nỗ lực đàm phán với nước họ để tiến tới ký kết bản ghi nhớ giữa hai chính phủ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động. Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã cho phép 2 doanh nghiệp thử nghiệm đưa lao động sang Angola, tuy nhiên hiện vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị.
– Theo ông, cách nào để giúp lao động tránh được cảnh đổ xô vào một thị trường như Hàn Quốc hiện nay?
Giải pháp là các chính quyền địa phương, bộ ngành và cả phụ huynh phải có giáo dục định hướng cho các em có lựa chọn phù hợp về thị trường lao động để xác định đi nước nào, không nên đổ xô vào một thị trường, đặc biệt là những nơi đòi hỏi kỹ năng cao, trong khi sức mình thì không đủ đáp ứng. Theo tôi, Malaysia là một thị trường nên lựa chọn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chủ động đầu tư đào tạo, nâng cao chất lượng lao động để cạnh tranh vì xu hướng trong tương lai không phải lao động giá rẻ, lao động phổ thông là lợi thế nữa. Nếu chúng ta chỉ đưa ra loạt lao động không có chất lượng thì rồi sẽ chẳng thị trường nào nhận nữa. Chất lượng ở đây là sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng nghề và đặc biệt là tác phong công nghiệp, hiểu biết về văn hóa nước sở tại…
Để tránh bị lừa, có được các thông tin minh bạch và chính xác, người lao động có thể tìm về các sở LĐTB-XH, cơ quan phụ trách hoạt động xuất khẩu lao động của địa phương, hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước để được tư vấn.
– Cảm ơn ông!
Theo Sài Gòn giải phóng