Việc ký lại bản ghi nhớ (MOU) sẽ là một bước tiến mới trong chương trình xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Vốn đã bị đóng cửa nhiều năm bởi nạn bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp. Nay được thông báo sẽ mở cửa thị trường Hàn Quốc sẽ làm thúc đẩy tỷ lệ người lao động đi làm việc tại nước ngoài tăng cao.
Ngày 15/5 của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc ra thông báo cho biết Hàn Quốc sẽ ký lại Bản ghi nhớ (MOU) thông thường về việc nối lại tiếp nhận lao động Việt Nam sang nước này làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm (gọi tắt là Chương trình EPS) từ năm 2017.
Theo thông báo của Bộ trên, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 17/5 tới, Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Lee Ki-kweon và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung sẽ ký bản MOU thông thường nêu trên.
Thông báo cũng cho biết quyết định trên của phía Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài của nước này đã kêu gọi chính phủ Hàn Quốc ký lại MOU thông thường nói trên, đồng thời đánh giá cao lao động Việt Nam về khả năng thích ứng tốt với môi trường làm việc và nhanh chóng nắm bắt các kỹ năng trong công việc.
Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng đã đưa ra một lộ trình nhằm tuyên truyền vận động và quản lý tốt hơn số lao động bất hợp pháp người Việt tại Hàn Quốc trong thời gian từ 2016 đến 2018.
Theo thông báo trên, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng hai nước, hai bên cũng sẽ thảo luận về các lĩnh vực cùng quan tâm như vấn đề an toàn công nghiệp của Việt Nam, hệ thống thông tin lao động và luật lao động…
Ngoài ra, Bộ trưởng Lee Ki-kweon cũng sẽ hội kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và thảo luận về các nội dung như mở rộng giao lưu nhân sự, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư…
Theo Bộ trên, hiện có khoảng 10.000 nhân viên người Hàn Quốc đang làm việc tại 3.300 doanh nghiệp của nước này đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu thắt chặt các quy định về cấp visa cho lao động có tay nghề cao mà điều này, theo phía Hàn Quốc, có thể khiến các công ty trên khó khăn hơn trong việc tuyển dụng thanh niên nước này sang làm việc tại Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2012, do tỷ lệ lao động bất hợp pháp người Việt tại Hàn Quốc đứng ở mức cao, Hàn Quốc đã tạm ngừng bản MOU thông thường về việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này theo chương trình EPS và chỉ ký MOU đặc biệt với thời hạn 1 năm, trong đó cho phép tuyển dụng một số lượng hạn chế các lao động trung thành, lao động đã đỗ trong các kỳ thi tuyển tiếng Hàn trước thời đó…
Nhằm khuyến khích người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có lao động bất hợp pháp người Việt, tự nguyện về nước, thời gian qua, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành quy định cho phép những người trên nếu tự nguyện đăng ký về nước trong thời gian từ ngày 01/4 đến 30/9/2016 sẽ không bị xử phạt hành chính và không bị hạn chế tái nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư, Chính phủ Việt Nam cũng đã ra thông báo: “Người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1/5/2016 đến hết ngày 30/9/2016 thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013.”
Thời gian qua, một số phương tiện truyền thông của Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã đưa tin về việc hai nước sẽ ký lại bản MOU thông thường, tuy nhiên đây là lần đầu tiên Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc chính thức đưa ra thông báo về vấn đề trên.
Với việc hai bên ký lại MOU thông thường, dự kiến số lượng lao động Việt Nam được sang Hàn Quốc làm việc từ năm tới sẽ tăng lên.
Theo: vietnamplus.vn