Xuất khẩu lao động điểm nhấn năm 2015

Năm 2014, Việt Nam đưa được 106.840 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 10% so kế hoạch đề ra. Năm 2015, tiếp tục ổn định các thị trường truyền thống; mở rộng những thị trường có thu nhập cao là mục tiêu được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng đến.

Duy trì thị trường truyền thống

Ông Hầu Seo Chư ở xã Mường Vi (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết: “Gia đình tôi có năm người con thì bốn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Các con đã gửi về cho tôi được 270 triệu đồng để mua trâu bò, sửa sang lại nhà cửa, đời sống được cải thiện. Nhà các con tôi cũng được làm khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt…”.

IMG_0697

Thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản tiềm năng phát triển mạnh với nhiều đơn hàng đủ các ngành nghề phù hợp với người lao động Việt Nam . Việc làm thêm nhiều , thu nhập cao cho người lao động .

Theo ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Lào Cai, những gia đình có người đi XKLĐ, tiền gửi về nước đã giúp tái đầu tư sản xuất, trả phần lãi vay ngân hàng, sửa sang nhà cửa. Đặc biệt, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) là các thị trường ổn định và có thu nhập tốt.

Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) cũng cho biết, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, có mức lương cơ bản khá tốt so các thị trường hiện có. Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động đầy đủ từ cả hai phía và có sự phù hợp trên nhiều phương diện với nguồn lực lao động Việt Nam hiện nay.

Với thị trường Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học, vừa làm trong thời gian tối đa là ba năm. Trong hai năm 2013 – 2014, số lượng thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng mạnh, đạt mức hơn 10.000 người năm 2013 và gần 20.000 người năm 2014 (chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt – may).

Thị trường lao động Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tiếp tục được coi là thị trường trọng điểm XKLĐ trong năm 2015. Đáng chú ý là với thị trường Nhật Bản, sẽ tập trung ngành nghề xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, từ năm 2015 đến 2020, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Ngoài thực tập sinh, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý. Đây cũng là những cơ hội để lao động Việt Nam có thể sang làm việc và học tập tại Nhật Bản.

Mở rộng thị trường có thu nhập cao

Trong năm 2015, cùng với việc duy trì và phát triển các thị trường truyền thống, Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục nghiên cứu, hướng đến việc mở rộng các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt cho người lao động, trong đó, ưu tiên vẫn là lao động đã qua đào tạo, có trình độ.

Thực tế, nhu cầu tiếp nhận lao động trình độ cao của các quốc gia vẫn luôn có, tuy nhiên lao động Việt Nam không có nhiều cơ hội, do chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ, tay nghề và ngoại ngữ. “Hai năm trở lại đây, lao động trình độ cao của Việt Nam, đặc biệt là lao động trong ngành điều dưỡng, hộ lý có nhiều cơ hội đi làm việc ở nhiều nước hơn khi Cục Quản lý Lao động ngoài nước được Bộ LĐ-TBXH giao trực tiếp thực hiện hai chương trình hợp tác với Nhật Bản và CHLB Đức trong việc tuyển chọn, đào tạo và đưa các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam sang làm việc tại hai quốc gia này”, ông Tống Hải Nam cho biết.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐ-TBXH luôn định hướng cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, khai thác các hợp đồng tiếp nhận lao động kỹ thuật cao, lao động có trình độ, tay nghề; quan tâm, chú trọng công tác đào tạo nguồn lao động trình độ cao để đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, Bộ đang triển khai Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có Chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ tăng. Trước mắt, có tám ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Số người lao động Việt Nam trong tám ngành nghề nói trên hoặc có trình độ, bằng cấp đạt tiêu chuẩn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các nước trong khối, đồng thời có điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tận dụng những cơ hội này. Vì vậy, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng này dự báo sẽ có sự gia tăng trong năm 2015, ông Tống Hải Nam nhận định.

Nguồn : http://www.molisa.gov.vn/