Xuất khẩu lao động Hàn Quốc cơ hội đang hẹp dần với người Việt Nam . Chỉ không lâu nữa thời hạn của bản ký hiệp định đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc EPS sẽ kết thúc nhưng tỷ lệ lao động hết hợp đồng bỏ trốn ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao . Tình trạng này nếu không được cải thiện sớm thì cơ hội xuất khẩu lao động Hàn Quốc trở lên mong manh hơn .
Tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp cao
Theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, hiện nay vẫn có khoảng hơn 16 nghìn lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Dù đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động song tỷ lệ lao động Việt Nam trốn ở lại Hàn Quốc vẫn ở mức cao, trung bình gần 50%, có thời điểm lên đến 57% cao gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của 15 nước tham gia chương trình. Tại Bắc Ninh, tỷ lệ này cũng luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Tính đến hết ngày 10-11-2014, số lao động tại Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn trên địa bàn toàn tỉnh chiếm khoảng 40%, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Gia Bình (50%) và huyện Lương Tài (38,1%).
Tình trạng trên đang khiến việc thực hiện những cam kết trong bản ghi nhớ đặc biệt giữa Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký tháng 12-2013 gặp rất nhiều khó khăn. Bản ghi nhớ nhấn mạnh nếu Chính phủ Việt Nam không nỗ lực để thực hiện thành công các biện pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng lao động bất hợp pháp và tỷ lệ lao động làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc không giảm một cách rõ rệt thì phía Hàn Quốc sẽ ngừng hoàn toàn việc tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2015.
Nguy cơ đóng cửa thị trường lao động Hàn Quốc
Ông Lương Đức Long, Phó giám đốc trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội), đơn vị thực hiện chương trình EPS cho biết: “Bản ghi nhớ đặc biệt được ký có thời hạn trong vòng một năm nhưng đến nay số lao động được lựa chọn đã vượt quá mức hạn ngạch mà phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Mặc dù đại diện hai nước chưa có thảo luận cụ thể về việc có tiếp tục ký tiếp bản ghi nhớ đặc biệt hay không nhưng nếu tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp không giảm xuống dưới mức 30% thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ mất đi thị trường xuất khẩu lao động giàu tiềm năng này”.
– Trong năm 2015, toàn tỉnh có 294 lao động hết hạn hợp đồng lao động phải về nước, trong đó nhiều nhất là huyện Gia Bình 71 lao động, huyện Lương Tài 85 lao động.
– Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10-10-2013 quy định lao động hết hạn hợp đồng tại nước ngoài không về nước đúng thời hạn sẽ bị phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã đưa được trên 79 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Hàng năm có khoảng hơn 10 nghìn lao động mới nhập cảnh với mức thu nhập trung bình từ 1000 đến 1300 USD/người/tháng. Nếu phía Hàn Quốc đóng cửa thị trường lao động với Việt Nam thì tương ứng với đó, mỗi năm nước ta mất đi một nguồn ngoại tệ đáng kể từ 120 đến 150 triệu USD do lao động làm việc tại Hàn Quốc gửi về. Đồng thời có hơn 12 nghìn hồ sơ của người lao động đã đạt kết quả qua các kỳ thi tiếng Hàn không được phía Hàn Quốc giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng. “Đây là một sự thiệt hại rất lớn, không những cho nền kinh tế đất nước mà còn cho chính bản thân người lao động khi mất cơ hội được trở lại Hàn Quốc làm việc hợp pháp và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng vạn lao động khác đang mong mỏi, chờ đợi để được sang Hàn Quốc làm việc”, ông Long nhấn mạnh.
Khó khăn trong triển khai biện pháp chống trốn
Theo quy định của chương trình EPS, người lao động sang Hàn Quốc làm việc chỉ phải nộp khoản tiền tương đương 630 USD để trang trải các chi phí bao gồm: Vé máy bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc, lệ phí xin cấp visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các chi phí khác. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết, không ít gia đình đã bị cò mồi lôi kéo, lừa đảo tiêu tốn gấp nhiều lần số tiền thực tế phải nộp, rơi vào cảnh phải vay nợ. Thêm vào đó mức chênh lệch thu nhập giữa Hàn Quốc và Việt Nam quá lớn là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động hết hạn hợp đồng vẫn muốn nán lại làm việc để kiếm thêm tiền bất chấp những rủi ro khi cư trú bất hợp pháp.
Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Để giảm nhanh tình trạng này, sở sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp như: Ký quý 100 triệu đối với lao động đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; lập danh sách các lao động đã hết hạn còn ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để xử phạt theo quy định; hạn chế tuyển lao động tại các xã, phường, thị trấn có nhiều lao động bỏ trốn… Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện tối đa cho lao động Hàn Quốc hồi hương ổn định cuộc sống, sở tiếp tục mở các khóa đào tạo nghề miễn phí, tổ chức các phiên hội chợ việc làm cho lao động hồi hương có cơ hội tìm công việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn theo đúng ngành nghề đi xuất khẩu lao động”.
Mặc dù vậy, theo ông Quang, để đạt được hiệu quả cao nhất thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn để gia đình người lao động nhận thức đúng về các nguy cơ, rủi ro mà người lao động gặp phải khi cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng như các hình thức xử phạt đối với đối tượng này, từ đó cam kết vận động thân nhân của mình về nước theo đúng thời hạn quy định.
Thương Huyền, Báo Bắc Ninh