Việt Nam chưa cho phép xuất khẩu lao động đi Angola

Hiện các cơ quan chức năng chưa cho phép bất cứ tổ chức cá nhân nào đưa lao động Việt Nam sang Angola làm việc do các điều kiện về hợp đồng chưa đảm bảo. Người lao động cần cảnh giác trước những quảng cáo và hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm.

 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Theo thông tin từ cơ quan chức năng của Angola, hiện có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Đại bộ phận lao động này đã sang Angola làm việc theo kênh không chính thống – sang bằng visa du lịch và ở lại làm việc bất hợp pháp tại đây.

Tuy nhiên, phía Angola không nắm được con số chính xác của số lao động này. Phía Angola cũng khẳng định luật pháp nước này không cho phép người nước ngoài đã nhập cảnh vào Angola bằng visa du lịch được chuyển đổi sang visa lao động trong thời gian ở Angola.

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, người Việt ở Angola chia làm 3 nhóm chính. Trong đó, nhóm 1 là các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục sang Angola làm việc theo các Thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước. Nhóm 2 là người thân, họ hàng của các chuyên gia nhóm 1 được bảo lãnh sang cư trú tại  đây.

Còn nhóm 3, là những lao động phổ thông sang Angola trong thời gian một vài năm gần đây. Số lượng người thuộc nhóm 3 rất đông. Những lao động Việt Nam làm xây dựng ở Angola chủ yếu là lao động bất hợp pháp, bao gồm cả trường hợp nhập cảnh bằng visa du lịch và ở lại làm việc hoặc nhập cảnh bằng visa lao động nhưng làm việc cho chủ sử dụng khác với chủ sử dụng có tên trên visa lao động.

Hiện nay, các cơ quan chức của Việt Nam và Angola đều không có thông tin cụ thể về số lao động này.

Ông Quỳnh cho biết hiện tại, các cơ quan chức năng chưa cho phép bất cứ tổ chức cá nhân nào đưa lao động Việt Nam sang Angola làm việc do các điều kiện về hợp đồng chưa đảm bảo. Tuy nhiên theo Luật Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có quyền ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân.

Do vậy để tránh rủi ro, ông Quỳnh khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở Angola nên biết về những rủi ro của thị trường trước khi quyết định sang nước này làm việc, cảnh giác trước những quảng cáo và hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, thận trọng tránh bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng.


 

Lao động cần thận trọng, cân nhắc bởi sẽ có nhiều rủi ro khi làm việc tại Angola


 

Đồng thời, ông Quỳnh khuyến cáo, nếu người lao động đi làm việc ở Angola theo hình thức hợp đồng cá nhân thì phải tìm hiểu kỹ thông tin và phải tuân thủ quy trình đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo pháp luật quy định.

Cụ thể, phải có hợp đồng cá nhân ký trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của Angola. Trong hợp đồng lao động phải có đầy đủ các điều khoản về: Ngành nghề, công việc phải làm; thời hạn hợp đồng; địa điểm làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ; chế độ khám bệnh chữa bệnh; chế độ bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của người chủ sử dụng lao động trong trường hợp người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài; giải quyết các tranh chấp.

Bên cạnh đó, người lao động cần có đủ năng lực ngoại ngữ để tìm hiểu thông tin, quy định pháp luật của Angola; đủ năng lực giao dịch trực tiếp với chủ sử dụng lao động và các cơ quan chức năng Angola. Đồng thời, người lao động phải đăng ký Hợp đồng cá nhân với Sở Lao động, Thương binh và xã hội địa phương nơi người lao động thường trú; có giấy xác nhận việc đăng ký Hợp đồng cá nhân của Sở. Khi đến Angola, phải đăng ký công dân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Angola để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật Angola.

Ông Quỳnh cho biết thêm, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận động ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Angola, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm kiếm đối tác ký kết các hợp đồng xuất khẩu lao động để đưa người đi một cách hợp pháp và bảo đảm các quyền lợi theo quy định của Việt Nam, pháp luật Angola. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục cung cấp thông tin để người lao động biết, xem xét kỹ trước khi đi sang Angola tìm việc.

 Sau khi có thông tin 4,5 vạn lao động Việt Nam đang bơ vơ, làm việc trái phép tại Angola, Phó Thủ  tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra để làm rõ việc đưa người lao động sang thị trường Angola trong thời gian qua, đồng thời có biện pháp hỗ trợ, phối hợp với các Bộ liên quan bảo hộ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6.

Nguồn: Website Bộ LĐ TB&XH

Cẩm nang tư vấn XKLĐ tổng hợp