Theo số liệu của công an Thành phố Hà Nội, chỉ riêng khoảng thời gian từ đầu năm 2006 đến giữa 2007, tại Hà Nội có hơn 2.000 nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động đi Đài Loan và Hàn Quốc, tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 52 tỷ đồng, còn theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2007 tới hết tháng 6/2010, các Tòa án đã xét xử 111 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới xuất khẩu lao động với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng của trên 5.400 nạn nhân. Tuy nhiên, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, theo báo cáo của C46 – Bộ Công an thì số vụ án lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thông qua hợp đồng đã giảm mạnh.
Năm 2013, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài |
Về thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động rất đa dạng. Các thủ đoạn phổ biến trong lĩnh vực này thường thể hiện dưới dạng: làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước để tạo lòng tin nơi người lao động. Bên cạnh việc tuyển dụng lao động bất hợp pháp của một số cán bộ chi nhánh, trung tâm thuộc các doanh nghiệp XKLĐ, thời gian qua đã xuất hiện một số doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ cũng làm công tác tư vấn và thu tiền bất hợp pháp của người lao động dưới danh nghĩa đưa đi học và làm việc tại nước ngoài. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự cởi mở trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, đã lập nên những “trung tâm” hoặc “công ty cung ứng lao động”, mượn danh pháp nhân hoặc mạo danh các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ với mục đích lừa đảo người lao động. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như nhu cầu XKLĐ ngày một tăng, những kẻ lừa đảo đã chọn vị trí ngay gần các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực XKLĐ để hoạt động. Ngoài ra, chúng còn thông qua các trung tâm đào tạo nghề, thành lập các doanh nghiệp ở vị trí lẩn khuất, giả danh cán bộ đi tuyển sinh… để lừa đảo
Về nguyên nhân của tội phạm này, có thể thấy rằng, người lao động do muốn giàu nhanh nhưng lại thiếu thông tin về thị trường lao động, thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã trở thành nạn nhân một cách dễ dàng. Nhiều người khi biết bị lừa đảo vẫn không chủ động khai báo với cơ quan chức năng mà lại tìm cách tự đòi lại tiền, khi không đòi được, kẻ lừa đảo đã bỏ trốn thì mới tìm tới cơ quan chức năng để thông báo. Chính vì lý do này nên nhiều người lao động phải chấp nhận mất tiền, trong khi đó, kẻ lừa đảo đã bỏ trốn hoặc có đủ thời gian để xóa hết mọi dấu vết phạm tội làm cho cơ quan chức năng khó tìm ra đầu mối để xử lý.
Cùng với sự chủ quan, cả tin của người lao động thì theo nhận định của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động là hiện nay, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa thực sự chặt chẽ, còn sơ hở và thiếu sót. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty môi giới xuất khẩu lao động và việc cấp giấy phép hành nghề trong lĩnh vực này.
Nguồn: web ban nội chính tw
(noichinh.vn)