Vừa qua, Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Theo báo cáo Hội nghị, năm 2017, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ. Các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và dư luận xã hội cũng tích cực quan tâm hợp tác, cung cấp các thông tin để hỗ trợ mở rọng xuất khẩu lao động và hỗ trợ quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo đúng các quy định của pháp luật.
Năm 2017, một số thị trường xuất khẩu lao động chính của ta tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao như thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, riêng thị trường Nhật Bản nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà ta có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước mới.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề và ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài, điển hình là công tác đưaa lao động sang thực tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.
Theo số liệu thống kê, năm 2017 cả nước đưa đi được 134.751 lao động (trong đó 53.340 lao động nữ; chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (24.502 lao động nữ). Các thị trường khác, cụ thể: Đài Loan: 66.926 lao động (23.530 lao động nữ); Hàn Quốc: 5.178 lao động (473 lao động nữ); Ả rập Xê út: 3.626 lao động (3.447 lao động nữ); Malaysia: 1.551 lao động (794 lao động nữ); Algeria: 760 lao động (31 lao động nữ); Rumania: 683 lao động (11 lao động nữ);…
Thống kê tháng 10/2017
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2017 là 13.456 lao động (5.148 lao động nữ), gồm các thị trường: Đài Loan: 6.486 lao động (2.246 lao động nữ), Nhật Bản: 5.680 lao động (2.315 lao động nữ), Ả rập – Xê út: 319 lao động (306 lao động nữ), Hàn Quốc: 366 lao động (53 lao động nữ), Malaysia: 222 lao động (80 lao động nữ), CHLB Đức: 140 lao động (110 lao động nữ), Rumania: 138 lao động nam và các thị trường khác.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 106.127 lao động (40.055 lao động nữ) đạt 101.07% kế hoạch năm 2017 và bằng 107,84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ website Cục QLLĐ NN