Hiệp hội XKLĐ phối hợp với Cục Quản lý LĐNN tổ chức toạ đàm với 10 doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Angola, nhằm trao đổi thông tin, bàn định hướng tiếp cận, phát triển thị trường này.
Trên cơ sở những thông tin đã nghiên cứu, thu thập và kết quả cuộc toạ đàm, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc vài nét khái quát về thị trường lao động xuất khẩu đi Angola.
Theo thông tin của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam ở Angola có khoảng 30.000 đến 40. 000 người, tập trung chủ yếu tại thủ đô Luanda, chia thành 3 nhóm chính:
– Nhóm 1 là các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục đã sang Angola làm việc theo các Thỏa thuận về hợp tác lao động ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước. Một số chuyên gia đã sang Angola được 20-30 năm, thu nhập của họ trung bình 2500-4000 USD/tháng (tùy thuộc vào bằng cấp, học vị). Số chuyên gia Việt Nam hiện ở Angola là 183 người.
– Nhóm 2 là người thân, họ hàng của các chuyên gia Nhóm 1, ban đầu xin visa du lịch vào Angola, sau đó tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ, đầu tư kinh doanh tại Angola và xin thẻ cư trú tại Angola. Chủ yếu nhóm này là những người buôn bán, kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ (mở cửa hiệu làm ảnh, photocopy, chuyển tiền, bán hàng tạp hóa tập trung ở chợ Sao Paolo-Luanda…) và thầu xây dựng nhỏ. Một số làm ăn phát đạt, có thể có tài sản lên tới triệu đô la Mỹ.
– Nhóm 3 là những lao động phổ thông và lao động có nghề xây dựng ở nhiều mức độ khác nhau, sang Angola trong thời gian một vài năm gần đây với các hình thức:
+ Số đông sang Angola theo hạn ngạch lao động Việt Nam do các công ty Trung quốc xin và “bán” lại cho những cá nhân Việt Nam tại Angola. Những người này hợp tác với các cá nhân ở Việt Nam để tuyển lao động, xin visa lao động tại Đại sứ quán Angola tại Việt Nam (trước đây chưa có Đại sứ quán Angola tại Việt Nam thì xin tại Đại sứ quán Angola tại Trung quốc)
+ Một bộ phận sang Angola bằng visa du lịch có thời hạn 3 tháng (sau đó tìm cách chạy chọt để chuyển thành visa lao động), thông qua một số người Việt tại Angola hợp tác với các cá nhân tại Việt Nam tổ chức.
Lao động sang Angola theo các hình thức nói đã phải chịu chi phí lớn (khoảng 6500 USD ), trong đó riêng tiền visa lao động khoảng 2000 USD nộp cho Đại sứ quán Angola.
Lao động sang Angola chủ yếu làm việc cho các cá nhân Việt Nam nhận các công trình nhỏ của cá nhân người Angola, một bộ phận bán hàng cho các chủ cửa hàng người Việt Nam. Đốivới lao động xây dựng, nếu có công việc đều thì thu nhập khoảng 800-1000 USD/tháng, được chủ thầu cung cấp thực phẩm miễn phí, ở trong các lán trại tại công trình xây dựng. Người lao động không có bảo hiểm, trường hợp ốm đau, tai nạn…do chủ thầu trả viện phí, nhưng cũng khá bấp bênh.
Về quy chế pháp lý của lao động, mặc dù về hình thức phần lớn người lao động có visa lao động, nhưng do không làm việc cho chủ sử dụng lao động được cấp hạn ngạch cho lao động, nên vẫn là lao động không hợp pháp. ). Nếu lao động bị cảnh sát bắt, chi phí để đút lót có thể đến vài chục hoặc vài trăm đô la 1 lần để được thả ngay, nếu bị đưa vào tù có thể lên đến hàng nghìn đô la để không bị trục xuất.
Đại sứ quán cho biết mặc dù phần lớn lao động Việt Nam tại Angola có thu nhập khá, nhưng cũng có một bộ phận lao động bị khó khăn do không có đủ việc làm. Mặt khác, do quy chế chưa hợp pháp nên thường xuyên bị mất tiền khi bị cảnh sát hỏi giấy tờ để không bị bắt và trục xuất về nước. Ngoài ra, môi trường Angola không phù hợp, nên nhiều lao động bị sốt rét, ốm đau, trong khi chi phí chữa bệnh tại Angola rất cao.. Tình hình an ninh tại Angola không bảo đảm, nên cũng đã có một số người Việt Nam bị cướp, thậm chí bị giết để cướp của.
CHÍNH SÁCH TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
1. Về nhu cầu tiếp nhận lao động
Đại sứ quán của ta tại Angola cho biết, hiện nay chủ yếu là các chủ thầu Trung Quốc xin được chỉ tiêu nhận lao động nước ngoài, do có một thỏa thuận giữa Trung quốc và Angola về việc Trung quốc cho Angola vay tín dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công ty Trung quốc nhận thầu các công trình này.
Tuy nhiên, có một số Công ty xây dựng nhỏ của Angola có nhu cầu và khả năng xin visa hợp pháp cho lao động xây dựng nước ngoài vào làm việc. Bên cạnh đó, trong thời gian sắp tới Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô cũng sẽ có khả năng đưa lao động sang Angola làm việc một cách hợp pháp trong dự án trúng thầu xây dựng 156 km đường cao tốc mà Tổng công ty này trúng thầu.
Angola ưu tiên tiếp nhận 2 nhóm lao động nước ngoài vào làm việc. Nhóm 1 là các chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp và lao động kỹ thuật cao. Việc tuyển dụng lao động nhóm này dựa trên Bản Ghi nhớ hoặc Thỏa thuận về Hợp tác lao động giữa Chính phủ Angola và nước phái cử.
Nhóm 2 là những người vào làm cho chủ đầu tư dự án tại Angola có vốn trên 1 triệu USD. Nhóm người này dễ dàng được cấp visa lao động với thời hạn 6 năm, sau 5 năm làm việc còn có thể nộp đơn xin thẻ định cư tại Angola.
Ngoài hai nhóm lao động nói trên, Angola cũng cho phép các doanh nghiệp nhận lao động nước ngoài. Chủ sử dụng lao động tại Angola muốn tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc trước tiên phải đề nghị Văn phòng Dịch vụ Việc làm Angola. Văn phòng này sau khi kiểm tra, xác nhận việc chủ sử dụng lao động không thể thuê/ tuyển được lao động địa phương đáp ứng được yêu cầu. Sau khi có được xác nhận, chủ sử dụng mới đi tuyển chọn lao động nước ngoài phù hợp với số lượng, ngành nghề. Theo quy định, số lượng lao động nước ngoài được tiếp nhận không được vượt quá 30% tổng số lao động làm việc cho doanh nghiệp. Cùng với xác nhận của Văn phòng Dịch vụ Việc làm, chủ sử dụng lao động xin cấp phép tiếp nhận những người này với Bộ quản lý loại hình lao động cần tuyển (ví dụ xin Bộ Xây dựng đối với nhu cầu tuyển lao động xây dựng..). Bộ quản lý chuyên ngành sẽ cấp Giấy phép tiếp nhận cho đích danh từng lao động đã được tuyển chọn. Giấy phép được chủ sử dụng lao động gửi cho lao động để làm thủ tục xin visa làm việc tại Đại sứ quán Angola ở nước phái cử. Visa lao động có thời hạn cư trú/làm việc 1 năm, thể hiện cùng với các chi tiết khác kể cả tên chủ sử dụng. Người lao động có nhu cầu sẽ được gia hạn visa 2 lần, mỗi lần 1 năm, tổng thời gian làm việc tại Angola không quá 3 năm. Hồ sơ gia hạn visa lao động được Cơ quan Di trú Angola thực hiện tại trụ sở chính Luanda hoặc tại các tỉnh có Văn phòng của Cơ quan Di trú.
2. Về chính sách đối với lao động nước ngoài vào làm việc tại Angola
Người lao động nước ngoài hợp pháp được đối xử như công dân của Angola. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (chủ sử dụng đóng góp tương đương 8% lương, còn người lao động phải trích 3% từ lương tháng) sau khi trở về nước phái cử. Bảo hiểm y tế là bắt buộc đối với lao động, tuy nhiên, mức đóng góp do chủ sử dụng và người lao động tự thỏa thuận. Tranh chấp phát sinh xảy ra đối với lao động nước ngoài trong quá trình làm việc tại Angola, được Bộ Lao động xem xét, giải quyết và hỗ trợ.
Quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài tại Angola được phân cấp như sau: Bộ quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xem xét, cấp chỉ tiêu trực tiếp cho người sử dụng lao động; Bộ Lao động Angola chỉ tổng hợp nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của các Bộ, sau đó cân đối với số lượng lao động Angola được đào tạo trong nước để đề xuất cho Chính phủ giao chỉ tiêu cho các Bộ, ngành.
Các cơ quan chức năng của Angola cho biết hiện có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại đây, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, nhưng không nắm được số lượng chính xác. Đại bộ phận lao động này đã sang Angola làm việc theo kênh không chính thống: bằng visa du lịch hoặc visa làm việc không đúng chủ sử dụng. Họ khẳng định, Angola không cho phép người nước ngoài vào bằng visa du lịch rồi chuyển đổi sang visa lao động.
KHUYẾN NGHỊ
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động có thể tiếp cận tìm kiếm đối tác, hợp đồng tin cậy và có tính khả thi cao để đưa lao động ta sang làm việc tại Angola. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, đổ vỡ của doanh nghiệp ở thị trường này, cần lưu ý những điểm sau đây:
– Chỉ ký hợp đồng hợp tác cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp lý, có giấy phép tiếp nhận lao động nước ngoài do cơ quan nhà nước có thẩm quyền Angola cấp và trực tiếp sử dụng lao động Việt Nam.
– Lựa chọn đối tác mạnh trong số các đối tác có đủ các điều kiện nêu trên để thương thảo và ký kết hợp đồng. Nên tham khảo ý kiến Cơ quan đại diện Việt Nam tại Angola. Nên tìm và lựa chọn trong số các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư hoăc trúng thầu ở Angola thì độ tin cậy và khả thi cao hơn.
– Trong hợp đồng cần xác định rõ : người sử dụng lao động phải bảo đảm đủ việc làm cho người lao động và trả lương trong thời gian ngừng, nhỡ việc tạm thời. Mức lương đảm bảo tối thiểu 800 USD/tháng theo mặt bằng thị trường hiện nay của lao động Việt Nam tại Angola.
– Hợp đồng cũng cần xác định rõ: Người sử dụng lao động phải bỏ tiền mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm rủi ro cho người lao động hoặc cam kết chi trả phí khám chữa bệnh cho người lao động trong trường hợp không mua bảo hiểm hoăc cơ quan bảo hiểm không thanh toán bảo hiểm cho người lao động.
Để thành công và phát triển bền vững ở một thị trường mới có nhiều tiềm năng, nhưng cũng ẩn chứa không ít yếu tố rủi ro như Angola, đòi hỏi sự năng động tích cực và cẩn trọng của doanh nghiêp; đồng thời cũng đòi hỏi sự khẩn trương, quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, thẩm định hợp đồng./.
Nguồn: Hiệp hội Xuất khẩu lao động
@ATK tổng hợp