Tăng cường hỗ trợ chính sách cho nữ lao động xuất khẩu

Với những rủi ro mà lao động nữ phải đối mặt trong khi đi lao động tại nước ngoài, dường như là mối quan tâm hàng đầu của Nhà Nước. Chính vì vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nghiên cứu những tác động đối với lao động nữ khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài loan…để có chính sách hỗ trợ.

Nhiều rủi ro

Từng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, chị Nguyễn Thúy Hoa, hiện là chủ quán giải khát tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Phụ nữ đi xuất khẩu lao động phải đối mặt với nhiều rủi ro. Như tôi đây, khi đi làm tại một xưởng mạ của một đơn vị sản xuất của người Hàn, quản đốc xưởng khi biết tôi chưa có gia đình thì những ngày nghỉ hay đến khu trọ với ý định xấu. Không tiếp cận được, viên quản đốc này đe dọa trừ lương, đuổi việc. Do đó, phụ nữ khi đi làm việc ở nước ngoài nên sống thành cộng đồng để bảo vệ nhau, đồng thời phải có kiến thức và biết tiếng cơ bản để khi cần có thể yêu cầu cơ quan sở tại hỗ trợ”.

Chị Nguyễn Thị M, xã Đông Phú (Lục Nam, Bắc Giang) đi xuất khẩu lao động tại Malaysia từ cuối năm 2010, thời hạn 3 năm. Mới làm được 1 năm, chị đã bị ông chủ “gạ gẫm”, giữ giấy tờ tùy thân, cấm sử dụng điện thoại. Sau nhiều lần cự tuyệt, chị bị chủ đánh đập tàn nhẫn và nhốt vào nhà kho. Chị M đã tìm cách trốn ra ngoài và nhờ cảnh sát sở tại giúp đỡ về Việt Nam. Đến nay, chị vẫn nợ tiền ngân hàng và không được công ty xuất khẩu lao động hỗ trợ với lý do tự ý phá vỡ hợp đồng về nước trước thời hạn.

xuat khau lao dong nhat ban
Gần đây là vụ việc 25 lao động nữ tại Bắc Kạn gặp khó khăn ở Arập Saudi phải về nước trước hạn. Họ được Công ty Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long đưa sang nước này từ tháng 4/2014 trở về trước, nhưng tất cả không được cấp thẻ lao động, thiếu việc làm và được Đại sứ quán tại Arập Saudi bảo hộ công dân đưa về nước vào cuối tháng 12/2014 -1/2015.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện có khoảng 4.000 lao động nữ Việt Nam sang Arập Saudi làm giúp việc gia đình, trong đó có khoảng 60 trường hợp đã gặp rủi ro. Tuy theo đánh giá, tỉ lệ rủi ro dựa trên tổng số lao động đang làm việc được đánh giá là thấp, nhưng có thể gia tăng nếu không làm tốt việc tư vấn, không được đào tạo kỹ năng và ngoại ngữ.

Đề xuất chính sách

Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có 90.000 lao động được đi xuất khẩu, trong đó, lao động nữ chiếm từ 30 – 35%. Số lượng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài cũng đang có xu hướng tăng lên. Năm 2014, Việt Nam đưa được hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thì phụ nữ chiếm 37,5%; chủ yếu trong các ngành nghề: Giúp việc gia đình; y tá, điều dưỡng; nhân viên khách sạn; thợ may; thợ dệt; lắp ráp thiết bị điện tử tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Arập Saudi và Cộng hòa Síp.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Các quy định pháp luật và chính sách hiện nay quy định chung cho cả nam và nữ, không có những chính sách đặc biệt dành riêng cho nữ giới. Trong khi những khó khăn và rủi ro mà lao động nữ gặp phải khi làm việc ở nước ngoài thường nhiều hơn lao động là nam giới. Do đó, tiếp thu ý kiến của chuyên gia về đề xuất sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần xem xét yếu tố nữ giới.
Yêu cầu doanh nghiệp chú trọng hơn đến đối tượng là nữ giới trong công tác tư vấn, đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có bộ bài giảng về vấn đề nhạy cảm giới cho lao động nữ khi đi lao động xuất khẩu. Đối với lĩnh vực giúp việc gia đình, cần lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín để thực hiện đưa lao động nữ ở một số thị trường như Malaysia, Arập. Cục xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và xử lý giải quyết đơn thư đối với hoạt động những doanh nghiệp xuất khẩu lao động dưới góc độ bình đẳng giới để có các can thiệp sớm để giảm những rủi ro mà phụ nữ có thể gặp phải khi làm việc ở nước ngoài cũng như khi trở về.
Về phía người lao động cũng phải tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tránh tình trạng qua cò dẫn đến tiền mất tật mang.
Xuân Cường
>>Thông tin tuyển dụng danh cho nữ trong năm