Phấn đấu đưa hơn 100 ngàn người đi xuất khẩu lao động nước ngoài

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), năm 2015 ước tính cả nước đã đưa được 115.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 127,8% kế hoạch năm.

lao ng xut khu

Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản tiếp tục là hai thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, chiếm hơn 80% tổng số lao động được đưa đi. Hiện, Việt Nam có trên 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trung bình mỗi năm người lao động gửi về nước 1,6-2 tỷ USD.

Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, ngoài kết quả trên, chúng ta đã ký thêm được nhiều hiệp định, nhiều thỏa thuận với các nước. Đây chính là cơ chế, tạo tiền đề để hình thành khung pháp lý, tăng quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, năm 2015, chất lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài tăng cao, 100% lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi.

Tuy nhiên,  năm 2015, tình trạng lao động bỏ trốn thu phí cao và lừa đảo người lao động vẫn xảy ra. Đặc biệt là tình trạng cò mồi, lừa đảo xuất khẩu lao động với thủ đoạn tinh vi của một số tổ chức, cá nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác lao động của cả quốc gia mà còn làm giảm uy tín của thị trường Việt Nam

Năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 100.000 người đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh giữ vững các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia…, thị trường Trung Đông được kỳ vọng có sự khởi sắc góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh và nâng cao kết quả đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc mở thêm những thị trường xuất khẩu lao động mới, Bộ LĐTB&XH cũng quan tâm đến mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu lao động kỹ thuật cao.

Theo ông Nam, so với các nước bạn có lao động đi làm việc tại nước ngoài chiếm tỷ lệ cao trong khu vực thì chất lượng lao động Việt Nam còn hạn chế ở ngôn ngữ và ý thức kỷ luật. Do vậy, để giữ được những thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định cho người lao động thì không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của lao động Việt Nam cũng cần được khẳng định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp công khai, minh bạch tất cả các hợp đồng đối với người lao động, từ thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thời gian làm thêm, tiền lương rồi tiền điện, nước, tiền nhà ở… Đối với tình trạng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, Bộ LĐTB&XH đang tích cực tuyên truyền, thí điểm ký quỹ… và tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để nắm bắt cơ hội đi làm việc ở nước ngoài với tư cách lao động cao, người lao động cần trang bị cho bản thân những kiến thức chuyên môn cần thiết cũng như trình độ ngoại ngữ nhất định để đáp ứng yêu cầu về công việc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm tuyển dụng, đào tạo nghiêm túc trước khi đưa đi lao động ở nước ngoài.

Theo : Thanhtra.com.vn