Kể từ khi có thông tin Hàn Quốc ngừng tuyển mới và tiếp nhận hồ sơ mới của lao động Việt Nam theo chỉ tiêu hạn ngạch trong năm 2012 đã làm cho thị trường xuất khẩu lao động của các tỉnh miền Trung chững lại và gặp nhiều khó khăn và tình hình trong mấy tháng đầu năm 2013 vẫn chưa được cải thiện.
Lâu nay, thị trường xuất khẩu lao động của các tỉnh miền Trung thường là Nhật, Malaysia, Singapore nhưng nhiều nhất vẫn là xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Thế nhưng vừa qua, Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa thông tin là Hàn Quốc có thông báo ngừng tuyển mới và tiếp nhận hồ sơ mới của lao động Việt Nam theo chỉ tiêu hạn ngạch trong năm 2012. Thông tin này đã làm cho thị trường xuất khẩu lao động của các tỉnh miền Trung chững lại và gặp nhiều khó khăn.
Từ ngày có thông tin tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ phía Hàn Quốc, số lượng học viên đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi đăng ký học tiếng Hàn giảm dần. Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo Trung tâm, học viên không nên lo lắng vì hiện phía Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với phía Hàn Quốc để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Ông Võ Duy Yên – Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Từ khi có thông tin tạm dừng đến nay thì số lao động đến tham gia đăng ký tiếng Hàn giảm dần. Trung tâm cũng không tiếp nhận học viên nữa cho đến khi có thông tin mới”. Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa có thông tin gì mới về thị trường lao động này, còn học viên thì vô cùng lo lắng bởi đã bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để theo học các lớp xuất khẩu lao động. Như trường hợp của anh Hồ Ngọc Sơn ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là một ví dụ. Làm hồ sơ đã 2 năm, tốn gần 200 triệu để theo đuổi giấc mơ, nhưng đến nay sau gần 2 năm ngồi chờ vẫn chưa có cơ hội nào đến gõ cửa nhà anh. Trong khi đó, mọi toan tính làm ăn phải dừng lại bởi đặc thù công việc của nghề biển không tiện để anh góp vốn làm ăn chung với người khác. Anh Hồ Ngọc Sơn chia sẻ: “Tôi cũng bức xúc, lo lắng lắm. Đôi khi mình đi làm ăn xa cũng không được, còn chờ đợi thì ở quê em làm lưới quây, làm chung với họ mà nếu chung tiền rồi không đi thì không được mà đi thì lỡ họ kêu mình lại phải nghỉ”. Nguồn lực cho xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc tại khu vực miền Trung rất lớn nhưng vì những trường hợp bỏ trốn, ở lại bất hợp pháp đã gây ra một hệ lụy xấu là Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Ví như ở Quảng Nam tính đến tháng 2 năm 2013 toàn tỉnh đã có hơn 100 lao động đang làm việc bất hợp pháp tại đây. Trong khi các thị trường lao động khác thì đang gặp khó khăn chung về kinh tế hoặc đang trên đà phục hồi nên nhu cầu lao động không cao. Ông Trần Văn Tám – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam nói: “Về phía địa phương, chúng tôi đề xuất với cấp trên làm thế nào đó quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để cho lực lượng lao động này đã học xong bây giờ có nguyện vọng được đi xuất khẩu lao động trong thời gian sớm nhất”. Theo một số Trung tâm giới thiệu việc làm tại các tỉnh miền Trung thì hiện nay có đến hàng ngàn học viên đã hoàn tất khóa học và đang chờ cơ hội để đi xuất khẩu lao động. Vì thế, để tìm thị trường cho số lao động này, một số địa phương đã tiến hành khảo sát nhu cầu, kiểm tra tay nghề của lao động phù hợp với ngành nghề gì và có khả năng đi thị trường nào để tiếp tục tìm kiếm cơ hội cho họ. Ngày 7/5, tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ông Đào Công Hải – Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, tại 11 tỉnh thành đã triển khai, số lượng lao động không trở về có giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Để có thể hoạt động lại thì vấn đề trước mắt cần đưa những lao động đã hết hạn hợp đồng và những lao động bất hợp pháp đang làm việc tự do tại Hàn Quốc về nước. Đồng thời cần có các biện pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức cho người lao động chuẩn bị đi xuất khẩu. Để có thể làm được điều đó chắc chắn sẽ phải mất nhiều công sức và thời gian. Miền Trung là vùng đất còn nhiều khó khăn nên cần được Nhà nước và các cơ quan chức năng có liên quan quan tâm hơn nữa. JW.18 tổng hợp
|