Trước thực trạng người lao động Việt Nam bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng lòng tin đưa sang Malaysia làm việc trái phép, thiếu trách nhiệm dẫn đến cảnh "đem con bỏ chợ", đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia vừa có văn bản gửi Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTBXH thông tin về tình hình một số cá nhân, tổ chức không có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã đưa người lao động sang Malaysia trái phép.
Lao động Malaysia: Đem con bỏ chợ
Cục Quản lý lao động ngoài nước xác nhận hiện có khoảng 50-60 lao động nữ bị Trần Thị Phương (thường gọi là Trần Thu Phương, SN 1982, ngụ xã Hải Quang, huyện Hải Hậu – Nam Định) đưa sang Malaysia làm giúp việc nhà trái phép. Hầu hết họ đang gặp nhiều khó khăn do không được bố trí việc làm hoặc bị chủ nợ lương…
Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, trong số lao động nói trên, chị Đinh Thị Huyền (quê Thái Nguyên) vừa bị chủ sử dụng lao động đưa đến bỏ trước cổng Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Trong đơn trình báo, chị Huyền cho biết được Trần Thị Phương đưa sang Malaysia từ ngày 3.3.2011. Do bất đồng ngôn ngữ lại không được bảo vệ nên làm một thời gian thì chị bị chủ ngược đãi. Đến nay, chị đã 6 lần đổi chủ và tổng số tiền lương nhận được cho 2 năm làm giúp việc nhà ở Malaysia chỉ có 3.400 Ringgit/tháng (khoảng 23,8 triệu đồng).
Đầu tháng 1.2013, một nạn nhân khác của Trần Thị Phương là chị La Thị Tươi cũng bị chủ sử dụng đưa đến “trả” cho Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trong tình cảnh không tiền, giấy tờ tùy thân, hộ chiếu.
Trần Thị Phương là đối tượng chuyên lừa đảo XKLĐ sang Malaysia và Đài Loan, hiện đang bị Công an quận Hà Đông – Hà Nội truy nã. Lấy danh nghĩa giám đốc chi nhánh của một công ty XKLĐ ở quận Hà Đông, Phương về các vùng nông thôn ở Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… để tuyển lao động sang Malaysia, Đài Loan với hứa hẹn đi nhanh, thu nhập cao.
Lao động Malaysia: Cả tin nên dễ bị lừa
Thời gian qua, tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thị thực để đưa lao động sang Malaysia làm việc bằng con đường du lịch hoặc hợp đồng cá nhân diễn ra khá phổ biến.
Cách đây không lâu, báo chí từng thông tin vụ lừa đảo lao động sang Malaysia quy mô lớn do Phạm Thị Mý (ngụ tỉnh Bắc Giang) cầm đầu. Dường dây của Mý đã đưa hơn 360 lao động sang Malaysia bằng đường du lịch, chiếm đoạt khoảng 270.000 USD. Sau khi sang Malaysia, do không có việc làm, nhiều lao động đã đến Đại sứ quán Việt Nam tố cáo và nhờ can thiệp đưa về nước.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho rằng lao động sang Malaysia chủ yếu là người nghèo ở nông thôn, trình độ thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế nên dễ bị lừa. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, hiện nay, ngoài 70.000 lao động làm việc theo hợp đồng phái cử của các doanh nghiệp XKLĐ, có khoảng 5.000 lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước. Trong đó, phần lớn do các cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa sang bằng đường du lịch hoặc hợp đồng cá nhân nhưng không đăng ký với sở LĐTBXH địa phương.
Nguồn: Báo lao động (2/4/2013)
Cẩm nang tư vấn XKLĐ tổng hợp