Theo đánh giá từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài khá hiệu quả, nó đã thực hiện được mục tiêu hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững.
Thống kê hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình này cho thấy, doanh số cho vay của chương trình lên đến hơn 2.000 tỷ đồng với gần 97.000 lượt hộ được vay vốn và đã tạo việc làm cho gần 98.000 lao động, doanh số thu nợ đạt 1.534 tỷ đồng và dư nợ là 559,9 tỷ đồng. Người đi xuất khẩu lao động không những đã có việc làm, tăng thu nhập cho mình, nâng cao trình độ kỹ năng và nghiệp vụ mà họ còn có điều kiện gửi tiền về cho gia đình, giúp gia đình có tiền vốn làm ăn, từng bước giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, vốn đầu tư cho vay của chương trình được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Người lao động làm các thủ tục cần thiết trước khi đi xuất khẩu lao động
Trước đây, đại đa số người nghèo và đối tượng chính sách, đặc biệt là ở khu vực nông thôn hẻo lánh thuộc vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn rất xa lạ với việc đi xuất khẩu lao động. Nhưng nay, nhờ có sự vào cuộc tuyên truyền rộng rãi của các cấp, các ngành, các địa phương về những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước nên họ có điều kiện, cơ hội đi lao động ở nước ngoài tăng thu nhập chính đáng, cải thiện cuộc sống. Riêng đối với các xã khó khăn, dư nợ cho vay đi xuất khẩu lao động đã đạt con số 148,5 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5%), dư nợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 158,5 tỷ đồng (chiếm 28,3% tổng dư nợ của chương trình).
Hiện nay, mức cho vay tối đa của chương trình đối với các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài là 30 triệu đồng/lao động, với lãi suất là 0,65%/tháng, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Ngân hàng chính sách xã hội đã ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị xã hội, thủ tục vay khá đơn giản, người vay viết giấy đề nghị vay vốn gửi tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi sinh sống. Sau khi nhận đơn, tổ tiết kiệm vay vốn họp để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên giấy đề nghị, đối chiếu với nội dung xin vay đúng với chính sách của Chính phủ. Tiếp đến là trình UBND cấp xã xác nhận và gửi toàn bộ hồ sơ đề nghị vay vốn đến ngân hàng chính sách xã hội để làm thủ tục phê duyệt và thông báo trở lại chính quyền địa phương và người vay đến các điểm giao dịch nơi cư trú nhận tiền.
Còn riêng đối với lao động tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP thì mỗi lao động được vay toàn bộ chi phí cần thiết cho việc đi lao động nước ngoài với mức lãi suất là 0,325%/tháng đối với người lao động thuộc diện hộ nghèo và 0,65%/tháng đối với các đối tượng có nhu cầu khác trên cùng địa bàn.
Nguồn: molisa.gov.vn