A. ĐIỀU KIỆN.
Theo quy định của Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, người lao động nước ngoài khi muốn đăng ký làm việc tại Malaysia, phải tham gia một khóa đào tạo kỹ năng, văn hóa, ngôn ngữ… của Malaysia và đủ điều kiện để được cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề (CE)
Chương trình cấp chứng chỉ CE áp dụng cho người lao động Việt Nam đăng ký đi làm việc tại Malaysia qua các công ty có chức năng xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
B. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ.
Bước 1: Đăng ký cấp chứng chỉ CE
– Trung tâm Lao động ngoài nước tiếp nhận hồ sơ của người lao động tham dự khoá đào tạo và xin cấp chứng chỉ CE đi làm việc tại Malaysia của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (gọi tắt là các TC). Việc đăng ký này được thực hiện 1 tuần trước khi khai giảng khoá học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của Việt nam và quy định của Malaysia đối với người lao động đăng ký đi làm việc tại Malaysia.
– Hồ sơ đăng ký bao gồm: Danh sách người lao động tham gia khóa đào tạo và xin cấp chứng chỉ CE (Danh sách được gửi dưới dạng file văn bản và công văn chính thức có chữ ký, đóng dấu của Giám đốc doanh nghiệp); 01 bản sao Hộ chiếu còn giá trị sử dụng tối thiểu 1 năm kể từ ngày đăng ký của người lao động đăng ký cấp chứng chỉ; 01 ảnh 4cm x 6cm nền trắng chụp trong vòng 6 tháng.
– Công văn đăng ký đào tạo và xin cấp chứng chỉ cần ghi rõ: Thời gian, địa điểm đào tạo và thời gian xin được cấp chứng chỉ CE.
Bước 2 : Lệ phí cấp chứng chỉ CE
Theo quy định của Cục phát triển kỹ năng nghề Malaysia, người lao động khi đăng ký cấp chứng chỉ CE phải nộp lệ phí cấp chứng chỉ (số tiền quy định cụ thể vào từng thời điểm có thể khác nhau, phụ thuộc vào tỷ giá giữa USD và VND, khoảng 20 USD). Lệ phí cấp chứng chỉ được nộp về Trung tâm Lao động ngoài nước ngay sau khi đăng ký đào tạo và xin cấp chứng chỉ được Trung tâm Lao động ngoài nước chấp nhận.
Bước 3 : Đăng ký cấp chứng chỉ CE với Cục phát triển kỹ năng nghề của Malaysia.
– Sau khi tiếp nhận hồ sơ và lệ phí cấp chứng chỉ CE, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ kiểm tra, rà soát danh sách người lao động, đối chiếu các thông tin trước khi gửi sang Cục phát triển kỹ năng nghề Malaysia để đăng ký cấp chứng chỉ CE.
– Song song với việc gửi danh sách đăng ký cấp chứng chỉ CE, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ chuyển khoản lệ phí cấp chứng chỉ cho Cục phát triển kỹ năng nghề Malaysia theo quy định.
Bước 4: Phối hợp kiểm tra công tác đào tạo của các TC.
– Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ phối hợp với Cục quản lý Lao động ngoài nước Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trong suốt khoá học. Nếu người lao động đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khoá học, sẽ được tham dự kiểm tra, đánh giá theo quy định của phía Malaysia trước khi cấp chứng chỉ CE.
– Về nội dung kiểm tra, giám sát:
+ Nội dung chương trình đào tạo theo quy định của Malaysia và của Việt Nam.
+ Thời gian đào tạo theo quy định
+ Thời gian lên lớp của các học viên.
Bước 5: Tiến hành kiểm tra cuối khóa để cấp chứng chỉ CE.
– Căn cứ các điều kiện tham gia khoá học của học viên, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các TC tổ chức kỳ kiểm tra cuối khoá đối với người lao động để đề nghị cấp chứng chỉ CE.
– Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ nhận đề thi từ Cục phát triển kỹ năng nghề Malaysia và phối hợp với Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Trung tâm đào tạo của doanh nghiệp tổ chức kiểm tra cuối khóa cho người lao động.
– Sau khi tổ chức kiểm tra, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ chấm điểm, gửi kết quả kiểm tra sang Cục phát triển kỹ năng nghề Malaysia.
– Khi có kết quả xét duyệt cấp chứng chỉ CE của Cục phát triển kỹ năng nghề Malaysia, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ in chứng chỉ của từng người lao động vượt qua kỳ kiểm tra cuối khóa và gửi cho doanh nghiệp đăng ký.