Công tác xuất khẩu lao động tại Tam Nông – Phú Thọ

Công tác tạo việc làm cho người lao động được Đảng, Chính Phủ rất quan tâm, chú trọng. Các đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngày ngày tìm được nhiều đơn hàng từ các đối tác tuyển dụng. Tuy có nhiều địa phương vẫn còn ì ạch triển khai công tác xuất khẩu lao động, nhưng Tam Nông – Phú Thọ đã có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình xuất khẩu lao động.

Năm 2012 vừa qua,  dù có nhiều cố gắng, nhưng huyện Tam Nông cũng chỉ đạt 50% kế hoạch trên giao về chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ngoài nước (82/160). Năm 2013, theo như chỉ tiêu giao, toàn huyện sẽ phải đưa 160 người đi lao động ngoài nước. Nhưng cho đến thời điểm này, huyện mới chỉ thực hiện được 40/160 theo chỉ tiêu giao. Ông Nguyễn Ngọc Minh- Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện nhận định: “Năm 2012, huyện đã không hoàn thành kế hoạch trên giao và  năm nay cũng sẽ không khả quan hơn”.

công tác xklđ tại tam nông phú thọ

Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện, đến hết tháng 5-2013, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động (đạt 62,5% kế hoạch giao năm 2013), tuy nhiên kế hoạch về XKLĐ thì lại quá chậm. Tại Tam Nông, một số xã như Quang Húc, Xuân Quang, Dị Nậu… có phong trào XKLĐ phát triển mạnh, có hiệu quả, tuy nhiên thời gian gần đây, số người XKLĐ cũng giảm dần dẫn đến ảnh hưởng tới chỉ tiêu giao của huyện. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Bên cạnh việc chỉ tiêu giao quá cao, thì thời điểm hiện nay, thị trường lao động đang rất khó khăn, nhiều lao động không có thông tin cụ thể về các thị trường  lao động ngoài nước, do đó không mặn mà với việc đi XKLĐ, một phần do chi phí cao, phần khác các thị trường truyền thống như Malaysia, Đài Loan… mức thu nhập cũng không cao hơn lao động trong nước là bao, nên người lao động không còn hào hứng đăng ký tham gia”.

Có thể thấy, công tác XKLĐ của huyện Tam Nông đang gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của phòng LĐ-TBXH huyện,  nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là người lao động tham gia XKLĐ chủ yếu là lao động phổ thông, chỉ được đào tạo ngắn hạn về ngoại ngữ, tay nghề nên chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đòi hỏi cao về trình độ, nhất là các thị trường có thu nhập cao. Ý thức chấp hành kỷ luật của một số lao động còn thấp, tác phong công nghiệp còn kém; trong công tác quản lý hoạt động giới thiệu việc làm, XKLĐ còn chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng lừa đảo trong XKLĐ hoặc lao động qua nhiều kênh môi giới mới có thể xuất khẩu, dẫn tới chi phí XKLĐ lớn, gây thiệt hại về thời gian, kinh tế cho lao động và làm giảm lòng tin của người lao động. Cùng với các nguyên nhân trên, thì vẫn còn tình trạng lao động bỏ trốn khỏi doanh nghiệp, không tuân thủ hợp đồng, vi phạm pháp luật các nước sở tại. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền các xã chưa vào cuộc thực sự với công tác XKLĐ … dẫn đến việc hoàn thành chỉ tiêu gặp khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ trên địa bàn huyện Tam Nông thời gian tới, trước mắt là đạt kế hoạch năm 2013, một số giải pháp cần thực hiện đó là tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác giải quyết việc làm năm 2013; chú trọng công tác XKLĐ, phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín, năng lực XKLĐ, được Sở LĐ-TB&XH hợp đồng trách nhiệm giới thiệu về huyện. Tổ chức các hội nghị tư vấn, XKLĐ tại các xã, thị trấn. Khuyến khích các lao động, gia đình có lao động ở nước ngoài bảo lãnh, giới thiệu, giúp đỡ lao động địa phương đi XKLĐ. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cho vay vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo chương trình Quốc gia giải quyết việc làm và vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với người thất nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút lao động trên địa bàn. Tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích cho các công ty, tổ chức tư vấn việc làm và tuyển dụng lao động trực tiếp tại địa phương. Các cơ quan, đơn vị của huyện, xã, thị trấn cần tạo điều kiện thuận lợi để lao động tiếp cận với thông tin việc làm và lựa chọn được ngành nghề phù hợp. Cùng với các giải pháp trên, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, coi trọng kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, XKLĐ. Nâng cao năng lực dự báo về thị trường XKLĐ sát với thực tế để gắn với đào tạo nghề; tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về XKLĐ giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các ngành đoàn thể và ngay chính người lao động trong giải quyết việc làm và XKLĐ. Các doanh nghiệp XKLĐ được giới thiệu tuyển dụng cần tập trung làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ và kịp thời giải quyết những vướng mắc, rủi ro nếu có trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ngoài nước. Tiếp tục duy trì ổn định thị trường truyền thống, đồng thời khai thác thị trường mới với các ngành nghề phong phú, đa dạng hơn nhằm hấp dẫn người lao động và chú trọng ký hợp đồng với những đơn hàng có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, năng lực của lao động trên địa bàn. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về XKLĐ đồng thời với tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác XKLĐ trên địa bàn…

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cẩm nang tư vấn XKLĐ tổng hợp