XKLĐ: Sau 4 năm thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), công tác XKLĐ ở Đakrông (Quảng Trị) đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động cũng như giáo dục cho họ tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn khi XKLĐ ra nước ngoài. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp không ít khó khăn, cần có biện pháp tháo gỡ nhằm giúp cho huyện đẩy mạnh XKLĐ theo kế hoạch, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trong giai đoạn 2009-2020.
Để thực hiện tốt công tác XKLĐ, thời gian qua, UBND huyện Đakrông đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền về những nội dung của Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ đến tận các thôn, bản; giao trách nhiệm cho phòng Lao động, TB&XH huyện cử cán bộ về tận cơ sở giải thích cho người dân các thông tin cần biết, giúp họ hiểu được lợi ích của XKLĐ từ đó tình nguyện đăng ký tham gia XKLĐ; phối hợp với các công ty tuyển dụng XKLĐ tổ chức hội nghị tư vấn trên địa bàn 14 xã, thị trấn nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về về quyền lợi, trách nhiệm của người XKLĐ; hàng năm, lập kế hoạch rà soát lao động trong độ tuổi để có cơ sở đề xuất, bố trí lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội địa phương.
Dạy nghề cho thanh niên – Ảnh: HỒ CẦU
Riêng trong 2 năm 2009-2010, tuy mới triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ nhưng với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của huyện, số lượng người tham gia đào tạo đi XKLĐ đạt khá cao với tổng số lao động tham gia toàn huyện là 623 người (178 người năm 2009 và 445 người năm 2010), trong đó: 495 lao động người dân tộc thiểu số, 161 lao động thuộc diện hộ nghèo. Về lao động xuất cảnh, có 293 lao động xuất cảnh đi các thị trường Malayxia, Trung Đông và Nhật Bản (năm 2009: 96 người, năm 2010: 197 người).
Tuy nhiên, 2 năm 2011-2012, số lao động xuất cảnh đi thị trường Malayxia, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm nhiều so với trước đó, năm 2011 chỉ có 32 người và năm 2012 chỉ có 14 người lao động xuất cảnh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động ở nước ngoài 4 năm qua, có 88 lao động đã về nước trước thời hạn với nhiều lý do khác nhau như: vi phạm pháp luật của nước sở tại, sức khỏe yếu, xin về nước, trả lương không đúng hợp đồng, lương thấp, công việc không ổn định…
Được biết, quá trình đưa người lao động ở huyện sang nước ngoài làm việc vẫn còn nhiều bất cập, nguyên nhân chủ yếu là về phía lao động cũng như công ty làm đầu mối XKLĐ. Phần lớn người tham gia XKLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, trình độ ngoại ngữ của họ còn hạn chế, các hợp đồng lao động lại bằng tiếng nước ngoài khiến cho họ không thể hiểu rõ được những điều khoản ghi trong hợp đồng. Thêm vào đó, tay nghề của người lao động chưa được đào tạo một cách vững vàng, ý thức làm việc của người lao động chưa cao nên vẫn còn tình trạng người lao động vi phạm các nội quy lao động của công ty mình làm, thậm chí có một số ít lao động vi phạp pháp luật của nước sở tại.
Về phía công ty đầu mối XKLĐ, họ vẫn chưa tôn trọng đầy đủ quyền lợi của người lao động, việc đào tạo tay nghề cho người lao đông đang còn yếu, việc giáo dục định hướng cho người lao động chưa được rõ ràng, còn qua loa, đại khái. Đồng thời, không giải thích cho người lao động hiểu rõ hợp đồng lao động trước khi xuất cảnh, dẫn đến những thiệt thòi cho người lao động khi họ phải sang nước ngoài làm những công việc và mức lương được hưởng không đúng như hợp đồng đã ký kết, người lao động không được hưởng các chế độ một cách đầy đủ…
Ngoài ra, khi tranh chấp hợp đồng chưa đến mức khởi kiện, chưa có cơ quan nào đứng ra làm trung gian giải quyết nên phần lớn người lao động chịu thiệt thòi. Việc các doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu sang các nước chưa kịp thời, một số lao động đã vay vốn và hoàn thành các thủ tục nhưng thời gian chờ đợi còn kéo dài. Có lao động 5-7 tháng vẫn chưa xuất cảnh được, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của người lao động; khi người lao động không đi XKLĐ nữa thì doanh nghiệp cũng không trả lại tiền cho họ. Một số lao động đã hết hạn hợp đồng về nước nhưng công ty đầu mối XKLĐ chậm thanh lý hợp đồng, gây khó khăn cho người lao động.
Trao đổi về việc thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2009 đến nay, bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại trong XKLĐ trên địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động chưa thực sự làm chuyển biến nhận thức của người lao động một cách sâu sắc, người lao động chưa hiểu một cách thấu đáo, đăng ký tham gia XKLĐ còn theo phong trào. Trong khi đó, suy thoái kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của người lao động khi tham gia XKLĐ tại các nước như: thiếu việc làm, hưởng lương không đúng theo hợp đồng ban đầu, thậm chí làm những công việc khác so với hợp đồng đã ký… dẫn đến mất lòng tin giữa người lao động với doanh nghiệp đầu mối XKLĐ. Từ đó, người lao động hoang mang bỏ ra ngoài làm việc hoặc bỏ về nước. Với những nguyên nhân đó đã làm cho công tác XKLĐ ở Đakrông gặp nhiều trở ngại, khó cho việc thực hiện đạt được tiêu chí mà Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2009-2020 của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt”.
Cũng theo bà Hồ Thị Kim Cúc, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn trên nhằm thu được những kết quả cao hơn nữa trong công tác XKLĐ của địa phương. Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của tỉnh về hoạt động XKLĐ; giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và hạn chế thiệt hại cho người lao động. Các doanh nghiệp đầu mối XKLĐ cần làm tốt công tác giáo dục, định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động và giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ. Kiên quyết loại trừ doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân hoạt động giới thiệu việc làm và XKLĐ. Các cơ quan chức năng địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn đến từng thôn, bản về những quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia XKLĐ. Về công tác vay vốn XKLĐ, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn kịp thời cho những lao động có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời phổ biến, thông báo rộng rãi các thủ tục cho người lao động vay vốn thuận tiện hơn.
Nguồn: Báo Quảng Trị
ATK tổng hợp