Để đổi đời, rất nhiều người chồng đã chấp nhận ký đơn ly hôn cho vợ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) được thuận tiện. Tuy nhiên, không mấy ai biết được góc khuất đằng sau nó là những câu chuyện đầy éo le…
Hôm nay về xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chúng tôi gặp không ít những dãy nhà cao tầng san sát. Đường thôn, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông sạch sẽ. Nhà hàng, quán xá mọc khắp nơi, ban đêm đèn điện sáng rực. Bóng dáng của quá trình đô thị hóa len lỏi vào từng nếp nhà, lối sống và suy nghĩ của nhiều người.
Trả giá quá đắt để được đổi đời
Để thay đổi cuộc sống ở nơi vùng biển nghèo, nhiều phụ nữ xã Cương Gián đã chấp nhận rời xa chồng con đến nơi đất khách làm kinh tế. Mặc dù nó mang lại cuộc sống khá giả cho gia đình nhưng không ai biết đến cái mặt trái mà nhiều gia đình phải đối diện. Nó là những hệ lụy phải trả quá đắt, có những gia đình tình cảm vợ chồng tan nát vì họ mải miết chạy theo giấc mơ đổi đời.
Trong căn nhà khang trang hai tầng còn mùi sơn mới, mặc dù không thiếu thốn thứ gì nhưng anh Nguyễn Thành T (SN 1974 ở thôn Bắc Mới, xã Cương Gián) đã “gà trống nuôi con” gần 10 năm nay vì chấp nhận ký đơn ly hôn để cho vợ là chị Trần Thị M đi XKLĐ. Suốt thời gian đó, bố con anh T ngậm ngùi cảnh chồng thiếu vợ, con thiếu mẹ…Anh T tâm sự: “Trước đây vợ chồng tôi chủ yếu làm nghề biển, nhưng thu nhập bèo bọt không đủ trang trải nuôi con nhỏ. Năm 2009, có người giới thiệu cho vợ tôi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Đài Loan. Để thuận tiện cho công việc, vợ chồng tôi buộc phải ly hôn giả để vợ tôi kết hôn với người đàn ông nước sở tại. Vì cuộc sống khốn khó, không còn cách nào khác nên tôi quyết định để cho vợ đi. Thời đó, ở xã có phong trào đi XKLĐ theo hình thức kết hôn giả với người ngoài để rút ngắn thời gian, tránh nhiều thủ tục, tiết kiệm chi phí và quan trọng là được họ bảo lãnh làm việc”.
Mặc dù việc để vợ đi XKLĐ đã cải thiện rất nhiều cho cuộc sống gia đình anh T nhưng đâu ai biết rằng đằng sau nó là cả những tháng ngày gian truân. Cuộc sống thiếu bàn tay người vợ, một mình anh phải làm thay bổn phận người phụ nữ, vất vả chăm hai đứa con.10 năm là một chặng thời gian dài. Khi chị M bỏ chồng con ra đi làm ăn ở xứ người, hai đứa con của chị còn mới chập chững bước đi. Đến nay hai cháu đã lớn nhưng mới được nghe giọng mẹ qua những cuộc điện thoại. Bà Dương Thị Hường chia sẻ với phóng viên.
Ly hôn – giả thành thật
Bà Dương Thị Hường (SN 1958, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đại Đồng, xã Cương Gián) kể rằng, hơn 15 năm làm Hội Phụ nữ, bà đã chứng kiến biết bao cảnh bi hài giữa những cặp vợ chồng quyết định ly hôn để vợ đi làm kinh tế nơi xứ người. Có nhiều trường hợp vợ đi làm ăn bên nước ngoài chồng ở nhà lấy vợ khác. Cũng có trường hợp vợ đi gửi tiền về nuôi chồng con, nhưng vì cuộc sống kinh tế có dư giả chút ít những ông chồng ở nhà lại sinh ra nhiều tệ nạn như cờ bạc, bồ bịch, đến khi vợ về tiền hết rồi vợ chồng sinh sự đánh nhau. “Toàn thôn 340 hộ, nhưng mỗi khi thôn họp Hội Phụ nữ thì chỉ có hơn 100 người tham gia. Chủ yếu họ đi XKLĐ, rất ít chị em sinh sống làm ăn tại địa phương”, bà Hường phân trần.
Bà Dương Thị Hường chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Sơn Nguyễn
Trường hợp anh Lê Văn B (SN 1977, trú tại thôn Đại Đồng) là một ví dụ. Cách đây hơn chục năm, anh B ký giấy ly hôn để vợ là chị Bùi Thị N đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Sau khi sang làm việc được một thời gian, chị N về nước đưa cả con sang cùng, để anh B lủi thủi sống một mình.Một trường hợp tương tự là Đinh Văn C (SN 1973). Cưới nhau được hơn 15 năm, vợ chồng anh có hai con trai kháu khỉnh. Cuộc sống gia đình không giàu có dư dả nhưng cũng đủ ăn đủ tiêu. Cách đây 5 năm, có người họ hàng xa ngỏ ý muốn giúp vợ chồng anh cải thiện cuộc sống. Theo đó, để vợ đi XKLĐ tại Hàn Quốc, vợ anh C đã ly hôn chồng rồi kết hôn giả với một người đàn ông Hàn Quốc. “Cũng vì nhiều người bàn đi tính lại khuyên tôi nên để vợ đi theo hình thức đấy nên tôi quyết định đồng ý ký đơn ly hôn. Không ngờ khi sang Hàn Quốc một thời gian, vợ không liên lạc về với bố con tôi nữa, sống hẳn với “chồng” bên đấy”, anh C chia sẻ. Theo anh C, thời gian đầu mới sang, vợ anh có gọi điện về gia đình, cũng gửi tiền về cho chồng con. Nhưng đến năm thứ hai, vợ anh C cắt đứt liên lạc với gia đình, thỉnh thoảng gửi tiền về nuôi con, còn lại gia đình cũng không có thông tin gì.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: “Hiện nay toàn xã có hơn 2.500 người đang lao động tại nước ngoài, chủ yếu là các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tính bình quân mỗi năm người dân trong xã gửi về lượng kiều hối khoảng 500 tỷ đồng. “Vì muốn đi XKLĐ được dễ dàng, thuận tiện, đỡ tốn chi phí nên rất nhiều cặp vợ chồng đã ký đơn ly hôn để vợ sang kết hôn giả với người nước ngoài. Nhiều người phụ nữ muốn kiếm tiền về lo cho cuộc sống gia đình, nhưng cũng có một số người ở hẳn nước ngoài không về nữa”, ông Thanh cho hay.
Được biết, vì xuất ngoại bằng con đường chính ngạch vừa tốn kém, lại mất nhiều thời gian nên nhiều phụ nữ nơi đây chọn con đường xuất ngoại bằng hình thức kết hôn giả. Giấc mơ đổi đời đã thôi thúc không ít cặp vợ chồng đang hạnh phúc ấm êm đâm đơn ra tòa ly hôn để vợ lấy chồng ngoại sang xứ người mưu sinh.